Nhà văn Kao Sơn: 'Khi viết cần sự tận hiến'
Tôi luôn nghĩ nhà văn Kao Sơn như một lão nông trên cánh đồng chữ nghĩa, ưa trồng những cây trái không chỉ ngọt lành, mà phải thật đẹp. Anh nghiêm túc với nghề đến mức đôi khi có vẻ cực đoan, cũng chỉ vì quá yêu thửa ruộng văn chương.
Kao Sơn có tác phẩm Trước ngày xa quê trong Tiếng Việt 4, tập 1, bộ Kết nối tri thức và cuộc sống. Đoạn này trích từ cuốn tiểu thuyết Khúc đồng dao lấm láp mà anh xuất bản năm 2001, được tái bản nhiều lần.
Xây dựng nhân vật từ tiếng vọng trong tim
* Đọc "Khúc đồng dao lấm láp" có màu sắc tự truyện, phải chăng tác giả gửi gắm nhiều kỷ niệm, ân tình của tuổi thơ mình trong ấy?
- Đây không phải là tự truyện. Nó chỉ mang màu sắc rất đậm của một tự truyện. Trước hết ở cách nhân vật xưng tôi, tên nhân vật lại gần giống tên tác giả, khiến nhiều người đọc tưởng vậy. Hầu như bối cảnh, không gian, câu chuyện trong tác phẩm, đều có bóng dáng tuổi thơ tôi - từ những trò nghịch ngợm, gia đình, bạn bè, thầy cô, từ cái chợ, dòng sông, bác lò rèn, bác nông dân…
Tuy vậy, cá nhân tôi đánh giá thì nó được viết từ 50% là sự thật, phần sáng tác hư cấu chiếm đến 50%. Nhưng hư cấu không có nghĩa là bịa, đó hoàn toàn là những câu chuyện thật trong cuộc sống mà tác giả góp nhặt nơi này, nơi kia, người này, người nọ. Phải như thế tác phẩm mới có độ dày, phong phú.
Một nhân vật duy nhất không có trong sự thật nào, mà hoàn toàn sáng tạo, chính là ông bố. Bố tôi hy sinh năm tôi 5 tuổi. Sự khao khát có bố, tất cả những tình yêu dành cho bố, tôi gửi cả vào ông bố tưởng tượng ấy. Dù đó thì là một người bố rất đỗi bình thường, giúp việc cho ủy ban xã, có nhân cách, có tình thương dành cho con cái, nhưng đó chính là hình mẫu được xây dựng từ tiếng vọng tình cha con trong tim tôi.
* Nghe đồn anh "đổi đời" nhờ tiểu thuyết cho thiếu nhi này?
- Năm 1985, tôi bắt đầu viết những trang đầu tiên ở trại viết do Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nam Ninh tổ chức. Cuộc sống khi ấy rất nhiều khó khăn. Bản thảo được viết trên cuốn hóa đơn bán hàng mà tôi xin được. Mặt trước người ta in chữ, còn mặt sau là giấy trắng. Vừa rồi Bảo tàng Văn học Việt Nam xin nên tôi đã cho, về sau cứ tiếc mãi về những kỷ niệm sáng tác đầu tiên gắn với một thời khốn khó của mình. Nhưng nghĩ cho cùng, nếu để lại cũng chưa chắc đã giữ được lâu dài.
Tác phẩm dường như có số phận của nó. Với Khúc đồng dao lấm láp, thậm chí đó là một số phận long đong. Ban đầu, bản thảo viết khá nhanh, chỉ trong vòng 1 tháng. Nhưng mấy tháng sau đó tôi không thể nào đặt tên nổi. Lúc là Cánh buồm tuổi thơ, lúc lại là Tuổi thơ trong tôi… đại loại như thế, mà không có một cái tựa nào khiến tôi thích thú. Viết xong rồi thì không dám gửi đến nhà xuất bản nào cả.
Lúc ấy, tôi thấy văn chương là cái gì đấy kinh khủng lắm, mình chỉ dám đứng nhìn từ xa. 15 năm sau, khi dọn nhà, tôi bắt gặp cuốn hóa đơn - chính là bản thảo Khúc đồng dao lấm láp - trong ngăn kéo. Tình cờ lúc ấy là mùa Trung Thu, trên ti vi trẻ con đang hát đồng dao rất dễ thương. Sau một lúc lại nghe ti vi đưa tin có một cuộc thi viết cho thiếu nhi của Nhà xuất bản Kim Đồng, tôi mới nghĩ tới việc gửi bản thảo này dự thi.
Để dự thi thì đương nhiên tác phẩm phải khác với tác phẩm nằm trong ngăn kéo. Tôi phải đọc lại rất kỹ lưỡng và có rất nhiều câu chữ phải bỏ đi viết lại. Nghĩ tới khúc đồng dao mà trẻ con hát trên ti vi trước đó, như một cái duyên, tôi liền chọn được tên Khúc đồng dao lấm láp.
Chọn xong lại có một ý tưởng táo bạo: Gỡ tung tác phẩm ra viết theo phong cách khúc đồng dao: Nhanh hơn, ngắn hơn, khỏe hơn. Tôi lấy bài Dung dăng dung dẻ làm tựa những tít phụ cho những chương trong tác phẩm, dẫn dắt cảm hứng. Đấy là bản thảo cuối cùng được nộp đến cuộc thi vào ngày 25/12/2000 và đã giành giải A năm đó.
Tôi nhận được 25 triệu đồng tiền thưởng. Lương viên chức của tôi chỉ 310.000 đồng, nếu không ăn không tiêu thì để dành trong 83 tháng mới được chừng ấy. Đó là số tiền quá lớn đối với tôi lúc bấy giờ.
Giải thưởng giúp tôi trả được nợ khi xây nhà. (19 triệu đồng mà tôi nợ mãi từ năm 1992 đến năm 2000 không trả nổi). Vì ngại với chủ nợ, tôi đã đề nghị trả cả vốn lẫn lãi, nhưng người ta chỉ lấy gốc và thú thật với tôi rằng, lấy lại được gốc đã là mừng lắm rồi. Số tiền dư ra còn mua được máy vi tính cho con gái học, về sau bé đoạt giải cuộc thi máy tính, ba mẹ lại được mời ra Nhà hát Lớn Hà Nội theo con lãnh giải. Giải thưởng ấy gắn với nhiều kỷ niệm, có lẽ nói "đổi đời" cũng không sai.
* Một tiểu thuyết ngắn (khoảng 150 trang), được lược trích 1 đoạn chỉ vài trăm chữ đưa vào sách giáo khoa, tác giả có tiếc không?
- Tôi thấu cảm điều này, vì hiểu rằng tác phẩm văn học khi vào sách giáo khoa thì có thể chỉ là một tác phẩm liên đới, một đoạn văn biểu trưng của tác phẩm. Đoạn trích này nằm khúc cuối tác phẩm, người biên soạn đề nghị rút gọn lại và tôi chỉ yêu cầu chuyển lại cho tôi xem bản sau khi biên tập. Tôi đã đồng ý lược trích và chấp nhận nhiều câu chữ phải bỏ đi theo quy định về độ dài ngắn.
Tác phẩm dù ngắn nhưng không bị mất tinh thần, mất chủ ý mà tác giả gửi gắm. Thực ra khi lược trích, chỉ cần giữ được 80% tinh thần, chủ ý của tác phẩm đã là giỏi. Không thể đòi hỏi nhiều hơn ở việc lược trích vài trăm chữ trong một tác phẩm 150 trang. Với những độc giả ham đọc, muốn tìm hiểu nhiều hơn, hoàn toàn có thể tự tìm đọc bản gốc.
* Đây cũng là tác phẩm được nhiều độc giả đánh giá là dấu ấn của Kao Sơn. Anh có lúc nào ngại không vượt qua được đỉnh của mình?
- Tôi còn nhớ nhà thơ Trần Đăng Khoa từng nói, một giải thưởng có thể làm nên một nhà văn, cũng có thể giết chết một ngòi bút. Khi đoạt giải cao ở tác phẩm đầu tay cho thiếu nhi, thú thực là choáng ngợp, nhưng với tôi, bất cứ tác phẩm nào tôi cũng có sự hăng hái khi viết. Nếu thấy đỉnh không dám vượt qua, sẽ không dám viết nữa.
Với bất cứ tác phẩm nào, thơ, văn, tiểu thuyết, hoặc cả về sau này mê vẽ, mê nhiếp ảnh… thì tôi cũng đến với nó bằng tất cả tâm sức, không coi đó là trò chơi. Tôi coi tất cả tác phẩm có giá trị như nhau, vì tất cả đều là đam mê, đều đòi hỏi sự tận hiến. Tất cả đối với đôi đều là đỉnh. Nhìn lại, tôi đã hết lòng với văn chương, không có gì ăn năn với bất cứ tác phẩm nào mà mình viết ra.
"Nếu không ảo tưởng sức mạnh, viết cẩn thận, tử tế, chịu khó có chiều sâu suy nghĩ, tôi tin sẽ có những trang văn tử tế cho độc giả" – nhà vưn Kao Sơn.
Buồn vì nhiều người viết cẩu thả
* Là người viết kỹ lưỡng, rất đẹp về câu chữ, ý tứ. Anh có buồn không khi hiện nay vẻ đẹp ngôn từ, nghệ thuật đang dần mất đi trong những trang viết?
- Trong nhiều hội thảo văn học, tôi đã nói văn chương bây giờ viết rất cẩu thả, không chỉ trong các bạn trẻ, mà cả các nhà văn đã thành danh. Với các bạn trẻ viết văn ngày nay, cảm giác các bạn ít đọc quá. Phải đọc để hiểu kỹ, để có thêm kiến thức, vốn sống, để học được những cái người ta viết thế nào là hay, thế nào là đẹp. Có những cháu 17 - 18 tuổi đã có truyện dài, có tiểu thuyết, nhưng khi đọc, chỉ thấy có truyện, không có văn và đọc rất chán.
Nói đến vẻ đẹp trong văn là gì? Tôi nghĩ, đó là ngôn ngữ viết đẹp, cách dẫn dụ, xây dựng không gian, những chi tiết sống động, cuốn hút, hấp dẫn… Những điều này ngày càng ít ỏi trong tác phẩm văn học bây giờ. Đa số đều có cảm giác như tác giả chỉ kể cho xong, là hết chuyện. Tôi suy nghĩ nhiều về vấn đề này và thú thực, rất buồn.
* Theo anh, đâu là nguyên nhân sâu xa?
- Bên cạnh thiếu vốn sống, ít đọc, nguồn gốc có lẽ là sự ứng xử của người viết với văn chương. Thái độ với văn chương như thế nào thì sẽ viết như thế ấy. Văn chương, nếu nhìn nhận theo góc nhìn văn hóa, là tấm gương phản ánh văn hóa dân tộc, phải tìm hiểu đến nơi đến chốn rồi mới dám viết, khi viết cần sự tận hiến.
Nếu chỉ coi văn chương là trò chơi, thì chỉ có thể viết ra những thứ chơi chơi, cho những người đọc chơi chơi. Đấy là chưa kể có nhiều người viết, tôi nghĩ họ tựa như gã trống choai sặc sỡ, mỗi sáng lại kêu ò ó o, tưởng mình là sứ giả của mặt trời. Nhưng không phải đâu, có không gọi thì mặt trời vẫn lên.
* Cảm ơn anh đã chia sẻ!
Kao Sơn sinh năm 1949 tại Ninh Bình. Đã xuất bản hơn 10 tiểu thuyết, tập truyện ngắn, tập thơ… Giải thưởng: Giải Ba cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ, 1986; Giải thưởng của Ủy ban toàn quốc VHNT năm 2005 cho tập truyện ngắn Người hát thánh ca; Giải Nhất của NXB Kim Đồng cho tiểu thuyết Khúc đồng dao lấm láp, 2001; Giải Nhất thơ lục bát báo Văn nghệ, 2003; Giải Nhì cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi năm 2013 do Đại sứ quán Đan Mạch, Hội Nhà văn Đan Mạch, Hội Nhà văn Việt Nam và NXB Kim Đồng tổ chức, trao cho tác phẩm Trăng Vàm Cọp…