Chữ và nghĩa: Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ
Một trong những biến thể của "Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ" là "Ra đường hỏi già, về nhà hỏi con nít". Nguyễn Đức Dương (trong Từ điển tục ngữ Việt, NXB Tổng hợp TP.HCM) giải thích là "Muốn biết điều gì khi ra khỏi nhà thì hãy tìm người già mà hỏi; Muốn biết điều gì đã xảy ra ở nhà khi đi vắng thì hãy tìm lũ trẻ mà hỏi".
Còn Việt Chương (trong Từ điển thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam, NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2001) thì giải thích: "Khi đi đâu để làm một việc gì, thì ta nên hỏi ý những người có tuổi, vì họ đã sống lâu có nhiều kinh nghiệm quý báu. Nhờ đó mà ta dễ dàng thành công trong công việc. Hoặc đi ra đường, lạc đường lạc sá, ta nên gặp người lớn tuổi mà hỏi thăm, họ sẽ chỉ vẽ tường tận đường đi nước bước cho ta. Đến lúc về nhà, muốn biết việc gì đã xảy ra khi mình vắng nhà thì nên đón trẻ con hàng xóm mà hỏi. Trẻ vốn thơ ngây, biết gì nói nấy nên giúp mình nắm rõ được sự thật".
Tựu trung, đây là kinh nghiệm dân gian trong hai hoàn cảnh, hai tình huống ứng xử khác nhau.
Thứ nhất, khi từ nhà đi xa (hay đi gần) để làm một việc gì (đi công việc xa chẳng hạn), ta đều phải chuẩn bị hành trang sao cho chu đáo. Hành trang đó bao gồm những đồ dùng thiết yếu: Trang phục, quần áo, đồ ăn (lương thực, bánh trái, nước uống…), trang thiết bị (như dụng cụ, máy móc, giấy bút, sách vở, thuốc men…)… Nhưng có một "hành trang tri thức" cần biết trước khi bước vào một cuộc hành trình.
Những tri thức hay kinh nghiệm, có thể được tích lũy với người trưởng thành. Nhưng với những ai "trẻ người non dạ" thì rõ ràng là còn ít ỏi. Vì vậy, bất luận là ai, muốn cho công việc sắp tới của mình thuận lợi "thông đồng bén giọt" thì rất nên tham khảo ý kiến người lớn tuổi (người già).
Cũng bởi họ là những người từng trải, có kinh nghiệm (người lớn tuổi được coi là có "một kho tri thức và kinh nghiệm") nên sẽ cung cấp cho những bài học, những "cẩm nang" cần thiết và hữu ích hoặc "tư vấn" mách bảo cho ta cách thức ứng xử sao cho thỏa đáng trong công việc.
Đừng chủ quan, tự mãn cho rằng mình đã biết hết để khi đối mặt với những sự cố, những thử thách khó lường, chúng ta không tìm được cách gỡ, cách giải quyết rồi phải chấp nhận những rủi ro, thậm chí thất bại hết sức đáng tiếc.
Ngay cả đối với những người trưởng thành, ít trải nghiệm, thì dù không xảy ra sự cố gì, cũng khó có thể hoàn thành công việc của mình một cách trọn vẹn, nếu không biết tận dụng kinh nghiệm của người khác.
Thứ hai, khi đi đâu trở về nhà, cần nắm bắt những thông tin liên quan đến những gì đã xảy ra (khi mình vắng mặt) thì lúc này ta nên hỏi bọn trẻ. Trẻ con thường quan sát, theo dõi cuộc sống bằng bản năng. Chúng thu lượm, tổng hợp thông tin quanh mình với "trực quan sinh động" bằng mắt, bằng tai. Bản tính của trẻ là hồn nhiên, trong sáng, không có bụng dạ gì, biết gì nói nấy. Chúng sẽ hồn nhiên mô tả sự tình khi ta cần nắm bắt và đó là những thông tin chân thực mà ta cần.
Như vậy, do đặc thù lứa tuổi mà mỗi thế hệ tuổi tác (người già/ người trẻ) đều có giá trị riêng. Ta nên biết điều đó để ứng xử sao cho thích hợp.
Một già, một trẻ em ơi
Họ là "cố vấn" cuộc đời chúng ta.