Diễn đàn văn hóa: Giữ gì cho Tết Trung thu?
Chúng ta đã đến rất gần ngày Tết Trung thu của năm 2023. Và như một tất yếu, trong khi thị trường và các dịch vụ nhộn nhịp chuẩn bị cho lễ đón rằm tháng Tám thì trên mạng xã hội, cộng đồng lại cùng nhau hoài cổ để nói về những Trung thu "ngày xửa ngày xưa".
Chẳng lạ, Trung thu là Tết của trẻ em. Và khi vui vầy cùng các em, người lớn luôn nhớ lại tuổi thơ của mình qua những Trung thu trong quá khứ.
Bởi thế, từ những năm 2000, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã tổ chức những chương trình Tết Trung thu truyền thống và luôn thu hút một lượng du khách khá cao. Tại đó, không chỉ trẻ em được chiêm ngưỡng vật phẩm, làm mâm ngũ quả, chơi các trò chơi dân gian truyền thống.... mà bản thân người lớn đi kèm các em cũng bồi hồi khi thấy lại những mặt nạ giấy bồi, tàu thủy sắt tây, thiên nga bông hay nghe lại các điệu Trống quân - vốn là trò hát cũ rất phổ biến tại Trung thu ở các vùng nông thôn Bắc Bộ.
Theo thời gian, vào rằm tháng Tám, mô hình tổ chức Tết trung thu theo tính chất "hoài cổ" ấy lần lượt xuất hiện thêm ở những không gian đặc thù của Hà Nội như phố cổ, Hoàng thành Thăng Long hay công viên văn hóa Đồng Mô. Đó là một nét văn hóa tích cực, khi chúng ta luôn nói về việc cần bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc của Tết Trung thu truyền thống, để các thế hệ sau có thể hiểu về cách cha mẹ, ông bà chúng từng đón rằm tháng Tám.
Nhưng cũng phải nói thêm, nhìn lại những lễ hội ấy, dù qua tư liệu hay qua những vật phẩm đã không còn phổ biến trong hiện tại, không khó để nhận ra: Ở mỗi giai đoạn, Trung thu xưa ấy lại có một diện mạo riêng, tùy theo nhu cầu và bối cảnh xã hội đương thời.
Từ những lễ hội trăng rằm mang ý nghĩa cầu mùa được ghi lại trên bia đá thời Lý cho tới hình thức tổ chức Tết Trung thu theo tính chất Quốc lễ vào thời Nguyễn; từ ông tiến sĩ giấy hoặc ông Lã Vọng câu cá (bằng gà luộc) thời Pháp thuộc cho tới những tàu thủy sắt tây, thỏ gõ trống, thiên nga bông... của thời bao cấp - tất cả đó đều là những ví dụ sinh động về sự thay đổi của Trung thu theo dòng chảy thời gian đã qua.
Bởi thế, đằng sau những nét văn hóa xưa cũ, có lẽ điều quan trọng nhất cần được nhìn ra ở mọi lễ hội Trung thu chính là sự sum họp, quây quần của mỗi gia đình, cũng như tấm lòng mà mọi người lớn luôn dành cho trẻ nhỏ trong dịp này.
Đứa trẻ nào rồi cũng thành người lớn. Và hãy để sau này, khi trưởng thành và tổ chức đón rằm tháng Tám cho gia đình, chúng vẫn có sự bồi hồi khi nhớ về những cột mốc Trung thu của thời thơ trẻ - như cách mà chính chúng ta đang xúc động nhìn về quá khứ.