Xem 'Người lạ hoàn hảo': 'Tiệc trăng máu' phiên bản kịch có gì lạ?
Đâu là điểm chung giữa vở kịch mới Người lạ hoàn hảo của Nhà hát Tuổi trẻ và bom tấn điện ảnh Tiệc trăng máu của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng từng ra mắt 4 năm trước? Câu trả lời: Cả 2 đều được phát triển từ một kịch bản chung.
1. Cụ thể, đó là kịch bản gắn với phim Người lạ hoàn hảo của đạo diễn, tác giả người Ý Paolo Genovese. Tác phẩm này được coi là hiện tượng của điện ảnh thế giới với 30 phiên bản khác nhau được làm lại tại Italy, Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Ba Lan, Hàn Quốc... Còn tại Việt Nam, sau Tiệc trăng máu (2020), đến lượt Người lạ hoàn hảo được Nhà hát Tuổi trẻ thương lượng mua bản quyền với đối tác từ Italy và chuyển thể cho sân khấu kịch
Và khi lên sàn diễn, Người lạ hoàn hảo phiên bản kịch của đạo diễn Nhật Quang vẫn giữ nguyên cấu trúc, diễn biến trong khung kịch bản gốc. Câu chuyện mở ra từ buổi gặp mặt của 4 người đàn ông vốn là bạn thân trong 30 năm: Nhật Minh (Lý Chí Huy), Phi Hùng (Quỳnh Dương), Minh Trí (Thanh Bình), Đình Phong (Quang Ánh).
Cùng vợ và bạn gái, họ quây quần trong buổi tiệc tân gia của gia đình Nhật Minh. Giữa chừng, vợ Nhật Minh là Minh Nguyệt (Lương Thu Trang) có một đề xuất dại dột: Công khai toàn bộ tin nhắn, email, cuộc gọi trong điện thoại mỗi người. Trò đùa tưởng vô hại ấy đã dần bóc trần mọi góc khuất mà mỗi cá nhân đều đang che giấu…
Có thể, những ai đã từng xem các phiên bản điện ảnh của Người lạ hoàn hảo - mà gần nhất là Tiệc trăng máu - có thể sẽ biết trước các nút thắt và xung đột của câu chuyện. Nhưng không vì thế mà phiên bản kịch của Nhà hát Tuổi trẻ mất đi sức hấp dẫn riêng của một vở kịch nói.
Không còn các hiệu ứng hình ảnh hay các bối cảnh phụ trợ như trong phim, toàn bộ diễn biến của câu chuyện được gói gọn trong phòng ăn gia đình Nhật Minh với trang trí tối giản: chỉ có 7 chiếc ghế bao quanh một bàn tiệc. Thậm chí, các hiệu ứng ánh sáng trong vở diễn cũng không có nhiều. Suốt vở diễn không có phần "chuyển cảnh tắt đèn" để người xem bị "kéo" đi hết 90 phút đồng hồ chỉ qua diễn xuất của các nhân vật chính.
Cũng từ mạch chuyện liên tục ấy, một số chi tiết trong kịch bản gốc được cắt bỏ để tập trung phát triển mạch kịch.
Khác với trên phim, kịch Người lạ hoàn hảo gần như không có những phút nghỉ để cảm xúc lắng xuống sau từng bí mật được phơi bày. Dồn dập, kịch tính của vở diễn liên tục tăng dần theo diễn biến mới quanh từng tin nhắn, email, cuộc gọi… được gửi tới những chiếc điện thoại trong căn phòng.
Từng bước, giống như một bức tranh thu nhỏ của xã hội, những bi kịch quanh toan tính, lựa chọn của mỗi nhân vật dần dược bóc tách. Đó là sự phản bội trong tình yêu; là những khoảng trống không thể lấp giữa các mối quan hệ chồng - vợ, mẹ - con trong gia đình; là những định kiến về người già hay người đồng tính. Và, có cả sự lừa dối được ẩn rất sâu, rất kĩ - tới mức phút cuối mới được bóc trần…
2. Có thể thấy rõ, với thế mạnh đặc thù của sân khấu - đặc biệt là khả năng tương tác trực tiếp với khán giả - Người lạ hoàn hảo của Nhà hát Tuổi Trẻ buộc người xem phải đón nhận với tâm thế cởi mở và độc lập, cho dù không ít người trong số đó đã thưởng thức Tiệc trăng máu hoặc các phiên bản điện ảnh đến từ Italy, Mỹ, Hàn Quốc.
Hiệu ứng mà 90 phút của vở diễn mang lại khá ấn tượng, qua cách các nhân vật lần lượt đối diện với nhau, rồi đối diện với chính bản thân mình với những biểu cảm đa sắc thái.
Và, dường như để khai thác hết những xung đột trong câu chuyện, kịch tích và cảm xúc trong vở diễn cũng được đẩy lên tới tận cùng. Không có cái kết "giả định" để có một lối thoát cho mỗi người như phim, Người lạ hoàn hảo phiên bản bản kịch hạ màn trong bị kịch đau đớn của tất cả nhân vật.
Ở đó, Phi Hùng bỏ về trong sự tổn thương sau định kiến của những người bạn thân từ nhỏ. Hôn nhân cặp vợ chồng Minh Trí - Thúy Duyên rõ ràng không thể cứu vãn sau những lời nhục mạ qua lại nặng nề. Sam thất vọng nhận ra chân tướng Sở Khanh của bạn trai. Còn riêng cặp vợ chồng Nhật Minh - Minh Nguyệt, tới phút cuối cùng, sân khấu chỉ còn lại họ đối diện nhau trong sự đau đớn tủi hổ khi bí mật lớn nhất bị bóc trần…
Với cách tiếp cận ấy, cũng không sai nếu nói rằng những nhân vật trong kịch Người lạ hoàn hảo xuất hiện với gam màu u ám hơn so với phim Tiệc trăng máu. Như để bù lại, vở diễn cũng không thiếu tiếng cười, không chỉ ở những tình huống trớ trêu vốn có trong kịch bản mà còn ở không ít lời thoại hài hước, duyên dáng và rất "bắt trend" được đội ngũ biên kịch nhào nặn.
Chưa hết, về phần diễn xuất, dù không còn nhiều những gương mặt gạo cội từng làm nên thương hiệu hài kịch của Nhà hát Tuổi trẻ nhưng Người lạ hoàn hảo vẫn được thể hiện rất chỉn chu và có đủ sự tinh tế duyên dáng cần thiết. Ở đó, nếu những diễn viên như Quỳnh Dương (vai Phi Hùng) hay Anh Thơ (Thúy Duyên) cho thấy bề dày kinh nghiệm của mình thì những Quỳnh Kool (vai Sam) hay Lương Thu Trang (Minh Nguyệt) lại mang tới sự tươi mới và một màu sắc riêng, khác với vai diễn trên những bộ phim truyền hình từng phát sóng…
Như chia sẻ của NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến (Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ), việc nỗ lực mua bản quyền và dàn dựng Người lạ hoàn hảo đến từ nhận định của Nhà hát: Đây là một kịch bản đương đại, từng được khẳng định ở tầm cỡ quốc tế, và sẽ tạo ra sức hút khi khán giả muốn "kiểm chứng" giá trị của nó trên sân khấu kịch. Với cách tiếp cận ấy, nhiều khả năng Người lạ hoàn hảo sẽ có một lượng khán giả không nhỏ trong thời gian gần…
Tăng cường những vở diễn hợp tác quốc tế
Theo Giám đốc NSƯT Sỹ Tiến, trong năm 2024, bên cạnh Người lạ hoàn hảo, Nhà hát Tuổi trẻ sẽ tiếp tục trình diễn và cho ra mắt một số các vở diễn có yếu tố quốc tế như nhạc kịch thiếu nhi Đứa con của yêu tinh, Zorba, chú mèo thám tử, Chú mèo dạy hải âu bay, Giải cứu bà nội... Hiện, Nhà hát đang gấp rút hoàn thiện các vở Bữa tiệc của Elsa và Vị vua không ngai để phục vụ khán giả nhỏ tuổi trong dịp Hè.