Góc nhìn 365: Giấc mơ 'Xuân - Hạ - Thu - Đông' từ quảng trường
Quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) sắp có thêm quảng trường. Mà không phải một, mà là… 5 quảng trường nằm khá gần nhau. Đó là điểm nổi bật của đồ án thiết kế đô thị khu vực xung quanh hồ Thiền Quang, vừa được chính quyền địa phương công bố và tổ chức lấy ý kiến người dân vài ngày trước.
Cụ thể, theo đồ án, 5 quảng trường này được bố trí quanh hồ Thiền Quang, trong đó quảng trường lớn nhất nằm ở phía đường Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất. 4 quảng trường còn lại nằm gần 4 góc hồ, với 4 tên gọi đặt theo các mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Dù bố trí tới 5 quảng trường, nhưng công năng và đặc điểm của chuỗi công trình dự kiến này được phân định khá rõ ràng. Theo đó, quảng trường lớn nhất là nơi kết nối với công viên Thống Nhất, mang tính chất của một khu biểu diễn nghệ thuật đa năng và phục vụ thương mại.
Ở những trường hợp còn lại, các quảng trường mùa Xuân và mùa Hạ nằm ở 2 góc hồ phía đường Trần Nhân Tông sẽ diễn ra sự kiện, hoạt động chính cần không gian mở để ngắm toàn cảnh hồ Thiền Quang. Quảng trường mùa Thu giáp ngã tư Nguyễn Du - Quang Trung dành cho các hoạt động vui chơi sôi nổi của cộng đồng. Quảng trường mùa Đông nằm gần cụm ba chùa Thiền Quang - Quang Hoa - Pháp Hoa thiên về các hoạt động tĩnh như chơi cờ, thể dục, câu cá.
***
Có thể, nhiều người sẽ "ngợp", thậm chí hồ nghi về tính khả thi về cơ hội ra đời cùng lúc 5 quảng trường tại khu vực hồ Thiền Quang. Cũng dễ hiểu, bởi trong suy nghĩ mặc định của số đông, khái niệm "quảng trường" chủ yếu được biết tới dưới dạng quảng trường chính của đô thị - vốn có không gian lớn, kiến trúc hoành tráng và là nơi tổ chức mọi hoạt động tiêu biểu của đô thị đó.
Thực tế, trong nhiều dạng thức hiện có, quảng trường hoàn toàn có thể chỉ là những không gian khiêm tốn, nhưng vẫn đủ sức giữ vai trò điểm nhấn của đô thị - và đặc biệt, là không gian chung để người dân tới vui chơi, nghỉ nơi và tham gia các hoạt động cộng đồng. Nói cách khác, sức hút của quảng trường đến từ giá trị kiến trúc, cách quy hoạch, tiếp cận và tổ chức hoạt động - chứ không nhất thiết phụ thuộc vào diện tích của nó.
Trong quá khứ, cùng với sự phát triển theo mô hình một thành phố phương Tây, mô hình quảng trường đã bắt đầu xuất hiện tại Hà Nội từ giai đoạn cuối thế kỷ XIX với đặc trưng về sự hài hòa, tinh tế . Nhiều trường hợp trong số đó đã trở thành những điểm nhấn đẹp trong nội đô Hà Nội cũ như các quảng trường 1/5, Đông Kinh Nghĩa Thục. Dù vậy, theo các chuyện gia, khi thành phố mở rộng, những quảng trường này dần ở trạng thái quá tải hoặc bị thu hẹp về không gian, trong khi các hạn chế ở nội đô khiến chúng ta không dễ tổ chức những quảng trường mới như các khu vực ngoại thành.
Trong bối cảnh ấy, ý tưởng tạo dựng chuỗi quảng trường mới tại khu vực hồ Thiền Quang rõ ràng là một nỗ lực tích cực. Thực tế, đây cũng là phần không gian đẹp nhất của quận Hai Bà Trưng, với mặt nước, cây xanh, phố đi bộ và đặc biệt là không gian công viên Thống Nhất liền kề. Xa hơn, nhìn lại, kể từ việc dỡ bỏ hàng rào công viên, tổ chức phố đi bộ Trần Nhân Tông rồi bây giờ là ý tưởng tạo dựng chuỗi quảng trường, có thể hy vọng vào sự xuất hiện của một quần thể không gian văn hóa - lịch sử - thương mại mới ở đây, để giảm tải cho những điểm đến vốn đã quá tải ở trung tâm Hà Nội.
Bởi thế, trước mắt, hãy cứ hi vọng ý tưởng về cụm quảng trường "Xuân - Hạ - Thu - Đông" quanh hồ Thiền Quang, với sự kết hợp hài hòa với cây xanh và mặt nước, hạn chế những công trình "nhân tạo", thân thiện với người sử dụng. Và trên hết, đó đích thực phải là những không gian chung thật sự được thiết lập để hướng tới cộng đồng.