Apple tiếp tục lấn sân sang lĩnh vực dịch vụ tài chính

Apple chính thức bước vào cuộc đua thu hút tiền tiết kiệm khi ra mắt dịch vụ gửi tiền với lãi suất hằng năm lên tới 4,15%. Quyết định này đánh dấu bước đi tiếp theo lấn sân sang lĩnh vực dịch vụ tài chính của "gã khổng lồ công nghệ" Mỹ.

Khách hàng có thể mở tài khoản tiết kiệm lãi suất cao thông qua tài khoản thẻ tín dụng của Apple (Apple Card). Các tài khoản tiết kiệm không yêu cầu số tiền gửi tối thiểu và được Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) bảo đảm. 

Số dư tối đa cho phép đối với mỗi tài khoản là 250.000 USD. Khách hàng không thể chi tiêu trực tiếp từ tài khoản tiết kiệm của Apple mà cần chuyển sang tài một khoản vãng lai (tài khoản chuyên sử dụng để thanh toán) hoặc Apple Cash (dịch vụ ví của Apple giúp khách hàng nhận tiền, gửi và thanh toán tiền thông qua ứng dụng).

Apple tiếp tục lấn sân sang lĩnh vực dịch vụ tài chính - Ảnh 1.

Biểu tượng Apple tại một cửa hàng ở Washington, DC,Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trước đó, Apple đã cung cấp dịch vụ cho phép khách hàng "mua trước, trả sau" đối với một số sản phẩm phần cứng của hãng.

Các dịch vụ trên là sản phẩm hợp tác giữa Apple và ngân hàng Goldman Sachs trong nỗ lực biến điện thoại thông minh iPhone thành "ví kỹ thuật số", giúp người tiêu dùng liên kết với hệ sinh thái được cài đặt trên thiết bị của họ.

Hiện nay, dịch vụ Apple Pay có nhiều lợi thế vượt trội trong lĩnh vực thanh toán kỹ thuật số, song ở lĩnh vực tài khoản tiết kiệm, Apple đang phải cạnh tranh với nhiều đối thủ.

Theo đánh giá của công ty dịch vụ tài chính tiêu dùng Bankrate, mức lãi suất 4,15%/năm của Apple thấp hơn so với lãi suất tới 5%/năm của một số ngân hàng trực tuyến. Tuy nhiên, mức lãi suất này cao hơn so với các sản phẩm tiết kiệm lãi suất cao phổ biến hiện nay ở Mỹ của Ngân hàng Ally (3,75%/năm) hoặc sản phẩm Marcus của ngân hàng Goldman (3,9%/năm).

Chuyên gia tài chính Yiming Ma thuộc Đại học Columbia (Mỹ) cho biết lãi suất cao cùng với danh tiếng của thương hiệu Apple tạo ra sự hấp dẫn đặc biệt đối với các khách hàng mới, nhất là trong bối cảnh bất ổn tài chính liên quan đến sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB).

Apple cũng đã làm việc với một số bang ở Mỹ để tạo ra các phiên bản kỹ thuật số hợp pháp của giấy phép lái xe, giúp tập đoàn này gia tăng lợi nhuận từ mảng dịch vụ. Doanh thu từ lĩnh vực dịch vụ của Apple đạt 78 tỷ USD trong tài khóa 2022 (kết thúc vào tháng 9 năm ngoái), tăng khoảng 14% so với năm trước.

Đức Trung/TTXVN

Link gốc: TTVH