Novak Djokovic là bậc thầy tâm lý nhưng cũng có lúc bị… tâm lý

Novak Djokovic nổi tiếng với tâm lý vững như bàn thạch giúp anh tạo nên những màn ngược dòng ngoạn mục. Nhưng không phải lúc nào, thứ vũ khí ấy cũng hữu hiệu.

Thậm chí, theo ký giả Tim Ellis viết trên Forbes thì những màn độc thoại trong phòng thay đồ vốn là thứ vũ khí bí mật thì giờ đang gây ra những tác động không tốt đến lối chơi của Nole

Djokovic rất mạnh về tâm lý, nhưng…

Sau khi thua Luca Nardi tại Indian Wells, Novak Djokovic liên tục lặp lại câu "We move on" (Chúng ta phải bước tiếp thôi). Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng dường như có điều gì đó đang tạm thời thay đổi trong tâm trí của tay vợt số một thế giới, chủ nhân của 24 giải Grand Slam. Lối chơi bất ổn trong trận thua ấy là một phần minh chứng cho sự lúng túng của anh.

Djokovic là người giỏi nhất trong môn thể thao của mình và hầu hết mọi thứ xung quanh đã giúp anh trở thành như vậy. Sự mạnh mẽ tinh thần và ý chí tập luyện của anh đã trở thành huyền thoại. Anh tự nhận mình 'thua' Federer ở trận chung kết Wimbledon 2019 theo mọi tiêu chí, ngoại trừ tiêu chí quan trọng nhất: Kết quả. Chế độ ăn (không chứa gluten) và sức bền được tăng cường giúp anh có hẳn một "bể nhiên liệu" để có thể "đùa giỡn" với các đối thủ. Cuối cùng, khả năng "bước tiếp" (move on) sau khi gặp phải thất bại là điều anh đã áp dụng trong thực tế, chứ không chỉ là một khẩu hiệu để AQ.

Sau khi bị Carlos Alcaraz đánh bại trong trận chung kết Wimbledon kinh điển vào tháng Bảy năm ngoái, Djokovic chấp nhận thất bại một cách lịch sự, tôn trọng đối thủ, pha chút hài hước. Động thái ấy không hề ngụ ý, cho dù chỉ một phút, rằng đế chế cũ đã chuyển giao lại cho thế hệ trẻ. "Đó không phải là trận đấu đầu tiên hay cuối cùng mà tôi thua, vì vậy tôi đã vượt qua nó trong một ngày", tay vợt từng 7 lần đăng quang ở SW19 quả quyết. Không dễ để thừa nhận điều đó sau khi đã bất bại ở sân Trung tâm suốt… 10 năm.

Nhưng đã có một thay đổi đáng kể diễn ra khi Djokovic thua 1-6, 2-6, 7-6 (6), 3-6 trước Jannik Sinner ở bán kết Australian Open. Đó là trận thua đầu tiên của anh ở Melbourne sau… 2.195 ngày. Có lẽ điều này thực sự làm anh sốc. Djokovic chưa bao giờ thua hai set đầu của một trận đấu lớn với tỷ số 1-6, 2-6 cả, và bản thân anh luôn tâm niệm rằng "36 tuổi là mốc 26 tuổi mới", như một khẩu hiệu chiến đấu ở SW19 và điều đó là hợp lý. Nhưng lần này thì khác.

Sau khi thua trong bốn set trước Sinner, người sau đó đã đăng quang ở Melbourne, tay vợt từng 10 lần vô địch Australian Open thừa nhận: "Tôi, theo một cách nào đó, bị sốc với cấp độ của mình, một cách tệ hại. Trong hai set đầu, tôi hiếm khi đưa ra quyết định đúng. Tôi đoán rằng đây là một trong những trận Grand Slam tồi tệ nhất mà tôi từng chơi. Ít nhất là theo tôi nhớ. Thật là không dễ chịu cho lắm". Điều quan trọng không phải là Djokovic đã thua ba lần trước cậu bé mới nổi, mà là anh đã thi đấu kém cỏi như vậy.

Novak Djokovic: Bậc thầy tâm lý cũng có lúc… tâm lý - Ảnh 1.

Novak Djokovic sẽ một lần nữa phải thể hiện sức mạnh tâm lý của mình

"Đánh thức con quái vật", một lần nữa?

Sau khi thua Nardi, một Lucky Loser (thua ở vòng loại, nhưng vẫn dự vòng chính thức nhờ một tay vợt khác bỏ cuộc), Djokovic một lần nữa bộc bạch. Và những cụm từ như "thực sự tồi tệ" khiến người ta cảm nhận một chút yếu đuối trong anh. "Không có danh hiệu năm nay, đó không phải là điều tôi quen. Trong hầu hết sự nghiệp của mình, tôi luôn bắt đầu mùa giải bằng một chiến thắng Grand Slam hoặc chiến thắng ở Dubai hoặc bất kỳ giải đấu nào khác", tay vợt người Serbia rơi vào suy tư sau khi thua đối thủ hạng 123 trên thế giới.

Sau khi đánh bại Alcaraz và Sinner trên hành trình vô địch ATP Finals 2023, Djokovic tạo cảm giác anh có thể giành Golden Slam trong năm 2024 (4 Grand Slam + HCV Olympic). "Tôi hiểu rõ bản thân mình, tôi không muốn tự mãn, nhưng tôi biết rằng nếu cả về thể chất lẫn tinh thần tôi ổn, tôi có thể làm được. Nghe cũng không thực tế khi giành ba danh hiệu Grand Slam trong năm nay". Đó là những lời của anh. Liệu việc nói ra điều đó có phải là sai lầm?

Tháng Năm tới, Djokovic sẽ tròn 37 tuổi, và anh giờ đây chỉ quan tâm đến các Grand Slam và các giải đấu lớn. Việc bỏ qua Miami Open có lẽ là một quyết định khôn ngoan với thành viên duy nhất của Big Three còn chơi quần vợt đỉnh cao. Djokovic là bậc thầy trong việc biến những thất bại thành nguồn nhiên liệu cho sự tái tạo. Những người trẻ muốn tranh đoạt những danh hiệu của anh nhưng họ lại "đánh thức một con quái vật" trong anh. Và bây giờ, khi Djokovic đang trải qua một chu kỳ thất bại, người ta đang chờ đợi xem phản ứng kế tiếp của anh sẽ như thế nào. Khi Djokovic thua Alex de Minaur trong Nations Cup tại Perth ngay từ đầu năm 2024, anh không quá quan tâm. "Thua trận chẳng phải điều dễ chịu gì, nhưng bạn biết đấy, nó không thực sự ảnh hưởng nhiều đến tôi". Nhưng ở thời điểm hiện tại, Nole có lẽ không còn giữ được sự thản nhiên như thế.

Phương Chi

Link gốc: TTVH