Để bảo quản hiện vật hiệu quả tại các bảo tàng mỹ thuật, phục vụ tốt nhu cầu văn hóa nhân dân
Ngày 26/7, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức tọa đàm khoa học “Công tác kiểm kê, bảo quản hiện vật tại các bảo tàng mỹ thuật ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp”.
Tọa đàm nhằm tìm kiếm giải pháp nâng cao năng lực chuyên môn, thúc đẩy sự phát triển của công tác kiểm kê, bảo quản và quản lý hiện vật tại các bảo tàng Mỹ thuật ở Việt Nam.
Đây là hoạt động thường niên, luân phiên tổ chức hằng năm giữa 4 đơn vị: Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, Bảo tàng Mỹ thuật Huế và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Tại tọa đàm, các đại biểu chia sẻ về thực trạng, khó khăn, thuận lợi trong thực tế triển khai công tác kiểm kê, bảo quản hiện vật tại đơn vị; đề xuất giải pháp, hướng đi phù hợp với tình tình thực tiễn.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác kiểm kê và bảo quản hiện vật, Tiến sỹ Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, công tác kiểm kê, bảo quản và quản lý hiện vật tại các bảo tàng mỹ thuật được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các tỉnh thành phố quan tâm, đầu tư kinh phí cơ sở vật chất, thiết bị để bảo quản, kiểm kê hiện vật. Các bảo tàng mỹ thuật đã chủ động nguồn lực, áp dụng công nghệ vào quản lý hiện vật, xây dựng cơ sở dữ liệu cho nhiều bộ sưu tập, xây dựng hồ sơ khoa học cho hiện vật đáp ứng quy chuẩn.
Dù đạt được kết quả nhất định nhưng các bảo tàng mỹ thuật vẫn còn gặp những khó khăn, hạn chế. Hệ thống kho cơ sở và trang thiết bị bảo quản còn thiếu cả về số lượng và chất lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, lâu dài của công tác lưu giữ, bảo quản các tác phẩm nghệ thuật theo quy định. Công tác kiểm kê còn chưa được triển khai tổng thể, đặc biệt trong kiểm kê khoa học; thông tin về hiện vật chưa đầy đủ. Việc chuyển đổi số, số hóa thông tin hiện vật có nơi còn chậm; chưa thực hiện quản lý, khai thác thông tin hiện vật bằng phần mềm tin học.
Tiến sỹ Nguyễn Anh Minh cho biết, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, từng bước bổ sung trang thiết bị bảo quản và nâng cao năng lực trong công tác quản lý hiện vật. Việc triển khai tổng thể các giải pháp để giải quyết tồn tại về công tác kiểm kê, bảo quản và quản lý hiện vật gần đây đã có kết quả bước đầu. Bảo tàng đã tổng kiểm kê được hơn 75% số lượng hiện vật, từ đó chỉnh lý, bổ sung gần 9.000 thông tin; lập danh mục hiện vật chưa có số đăng ký, cần chỉnh lý, bổ sung thông tin, ưu tiên bảo quản tu sửa… để có kế hoạch giải quyết.
Đơn vị cũng kết hợp bảo quản phòng ngừa với bảo quản trị liệu để hạn chế tối đa sự xuống cấp của hiện vật qua thời gian; đẩy mạnh số hóa tài liệu, hiện vật, trong đó hoàn thành xây dựng phần mềm quản lý hiện vật, triển khai nhập liệu trên 80% phiếu hiện vật để đưa vào khai thác, sử dụng.
Tuy nhiên, công tác kiểm kê, bảo quản và quản lý hiện vật tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam còn nhiều bất cập. Việc đăng ký, quản lý hiện vật chưa được phân loại khoa học; còn tồn tại song song hai loại sổ đăng ký dẫn đến việc trùng số đăng ký, khó tổng hợp số lượng báo cáo và không đúng với nguyên tắc quản lý hiện vật của bảo tàng học.
Tham dự tọa đàm, đại diện các bảo tàng mỹ thuật đã đề xuất những giải pháp, hướng đi cho công tác kiểm kê, bảo quản, quản lý hiện vật tại các bảo tàng mỹ thuật hiện nay. Trong đó, tập trung vào các nội dung: nhận diện vai trò công tác kiểm kê, bảo quản, quản lý hiện vật đối với các khâu công tác của bảo tàng. Đánh giá đúng vị trí quan trọng của khâu công tác này trong các khâu nghiệp vụ chuyên môn của bảo tàng để từ đó có sự quan tâm đầu tư và chỉ đạo triển khai thực hiện. Đánh giá thực trạng những kết quả đạt được, chia sẻ những khó khăn, tồn tại, hạn chế, trao đổi, kinh nghiệm về nghiệp vụ công tác kiểm kê, bảo quản, quản lý hiện vật tại các bảo tàng mỹ thuật hiện nay. Bảo tàng Mỹ thuật Huế nhấn mạnh giải pháp tổ chức kho bảo quản theo hướng kho mở, để bảo đảm an toàn cho hiện vật. Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh thực hiện xây dựng mới kho lưu trữ chuyên biệt và hiện đại để bảo quản hiện vật. Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng lên phương án điều chỉnh và hoàn thiện quản lý hiện vật bằng phần mềm tích ứng trên web và chương trình phần mềm quản lý hiện vật do Cục Di sản Văn hóa chuyển giao…
Thạc sỹ Trương Nguyễn Nguyên Kha (Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng) cho rằng, để công tác kiểm kê có hiệu quả, 4 bảo tàng mỹ thuật cần có sự thống nhất bảng ký hiệu hiện vật chung; triển khai nhập liệu trên máy tính Phiếu hiện vật, Sổ đăng ký hiện vật, Sổ xuất nhập kho hiện vật, Sổ phân loại hiện vật để tạo thuận tiện cho công tác chỉnh sửa, bổ sung nội dung và quản lý, rút ngắn thời gian làm việc.
Hiện nay, bảo tàng đã có phần mềm quản lý hiện vật do Cục Di sản Văn hóa chuyển giao nhưng chưa phù hợp với đơn vị chuyên ngành mỹ thuật. Để thực hiện hiệu quả việc số hóa hiện vật, các bảo tàng cần xây dựng một phần mềm mới, dễ sử dụng, tiện ích, phù hợp chuyên ngành để việc nhập dữ liệu, rà soát, tìm kiếm và quản lý hiện vật được khoa học, thuận tiện và tiết kiệm thời gian.