Chào tuần mới: 'Cắm bản' và nghề giáo

Tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ vừa trôi qua với một câu chuyện thương tâm: Trên đường trở lại điểm trường dạy học bằng xe máy, một cặp vợ chồng giáo viên tại Hà Giang đã rơi xuống vực sâu. Cô giáo tử nạn, trong khi người chồng vẫn đang nằm viện, không thể có mặt tại tang lễ vợ mình.

Rồi, sự thương cảm chuyển thành xót xa, khi người ta biết rằng, kể từ khi xung phong lên vùng cao công tác sau khi tốt nghiệp đại học, cô giáo mầm non này đã có 13 năm "cắm bản" tại huyện Yên Minh (tỉnh Hà Giang). Cùng làm việc với chồng, cũng là một giáo viên tiểu học tại đây, họ chấp nhận gửi con lớn ở quê nội và mang theo con nhỏ lên vùng núi dạy học.

Rất nhiều lời chia sẻ từ ngành giáo dục, các cơ quan chức năng và cộng đồng đã được gửi tới gia đình của hai giáo viên. Cùng với đó, trong mấy ngày này, chúng ta lại có dịp nghĩ thêm về những thiệt thòi - cũng như sự hi sinh - của những giáo viên đang làm việc tại vùng cao, trên con đường đã chọn.

Chào tuần mới: 'Cắm bản' và nghề giáo - Ảnh 1.

Tranh minh hoạ. Nguồn: Internet

Mòn chân đi khắp các bản làng để vận động trẻ em tới trường. Sống trong sự hạn chế, khó khăn về điều kiện sinh hoạt cũng như thu nhập. Gần như tách biệt khỏi sự náo nhiệt, sôi động ở đô thị trong những năm đẹp nhất của tuổi thanh xuân… Những câu chuyện ấy vốn dĩ đã được dư luận nhắc tới rất nhiều trong những năm qua, và chắc chắn, sẽ còn tiếp tục trong tương lai.

Bởi ai cũng hiểu, với những khó khăn đặc thù về điều kiện vật chất và mặt bằng xã hội, sẽ mất một thời gian dài nữa để các giáo viên "cắm bản" được đãi ngộ và hưởng những quyền lợi tương xứng với sự hi sinh của họ, cũng như sự mong mỏi từ cộng đồng. Những nỗ lực vào cuộc, ủng hộ, đồng hành của chúng ta chỉ là sự tiếp sức trong hy vọng rút ngắn lộ trình cần thiết đó.

Và ở đây, người viết cũng không định nhắc tới những vấn đề vĩ mô và cơ chế, chính sách. Hãy nhìn mọi thứ ở một góc độ khác: Sự cảm thông và chia sẻ với những người đang đứng trên bục giảng.

Thực tế, với những định kiến đang có về ngành giáo dục, cũng như với con mắt thực dụng của thời kinh tế thị trường, nghề nhà giáo từng có lúc trở nên mong manh và "nhạy cảm" trong cách nhìn của nhiều người. Để rồi, từ sự ra đi của cô giáo mầm non ở Hà Giang, dường như chúng ta sẽ bao dung hơn, khách quan hơn, khi nghĩ về sự hi sinh vốn gắn liền với thiên chức của nghề đặc biệt này.

Một năm học sắp hết thúc, để vòng quay của một năm tiếp theo lại bắt đầu với bao vui buồn, mừng giận và cả tâm sự của những bậc phụ huynh. Trong dòng chảy ấy, sau những gì vừa được gợi lại về hoàn cảnh của những giáo viên "cắm bản", liệu chúng ta có thêm sự bình tĩnh và sẻ chia từ suy nghĩ của mình?

Phương Linh

Link gốc: TTVH