Quảng Ninh đẩy mạnh du lịch xanh hướng phát triển bền vững
Trước thách thức của biến đổi khí hậu, dịch bệnh, ngành du lịch đã có những giải pháp để phát triển bền vững. Trong xu hướng đó, du lịch Quảng Ninh đang nỗ lực xây dựng những điểm đến xanh, sản phẩm du lịch xanh gắn với sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.
Nghị quyết số 07-NQ/TU (ngày 24/5/2013) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về phát triển du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030, xác định: Phát triển du lịch tỉnh theo hướng bền vững, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP của tỉnh; góp phần quan trọng thực hiện 3 đột phá chiến lược, gắn với mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh".
Cụ thể hóa nghị quyết, tỉnh đã kiên trì, nhất quán thực hiện chủ trương phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh là yêu cầu xuyên suốt trong các chính sách, chiến lược, quy hoạch. Theo đó, ngành du lịch đã phát huy tối đa tiềm năng sẵn có, tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo; gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc; quản lý, khai thác bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.
Điển hình là các mô hình: Du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, sinh thái ở Bình Liêu, Hải Hà, Tiên Yên, Móng Cái; HTX dịch vụ du lịch chèo thuyền đưa du khách đi tham quan các làng chài, khu du lịch cộng đồng Kỳ Thượng Am Váp farm (thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long); du lịch cộng đồng ở làng quê Yên Đức (TX Đông Triều) của Công ty CP Du thuyền Đông Dương... đã mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách; góp phần phát huy những giá trị văn hóa, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững cho địa phương.
Theo xu hướng du lịch xanh, vấn đề môi trường cũng được Quảng Ninh đặc biệt quan tâm. Theo đó, tỉnh chủ động làm việc và nhận được sự hỗ trợ của JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) trong dự án thúc đẩy tăng trưởng xanh khu vực vịnh Hạ Long và đã đạt được một số kết quả nhất định. Trong đó, phải kể đến việc xây dựng tiêu chí cánh buồm xanh cho tàu thủy du lịch trên vịnh Hạ Long; xây dựng các giải pháp tiết kiệm năng lượng; xuất bản sách trắng về tăng trưởng xanh vịnh Hạ Long... Bên cạnh đó, chủ động ứng dụng công nghệ tiên tiến như kỹ thuật dầu nước phân ly để lọc nước thải trước khi đưa ra môi trường, không đổ rác thải trực tiếp ra vịnh, sử dụng toàn bộ chai nước thủy tinh, ống hút giấy, cốc giấy... để giảm thiểu tác hại đến môi trường trong quá trình vận hành tàu du lịch trên vịnh.
Không chỉ ở vịnh Hạ Long, thời gian qua huyện đảo Cô Tô cũng xây dựng môi trường du lịch xanh bền vững. Theo ông Nguyễn Hải Linh, Trưởng phòng VH-TT&DL huyện Cô Tô, từ ngày 1/9/2022, UBND huyện đã triển khai thí điểm quy định du khách không mang chai nhựa, túi nilông, vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường lên đảo. Sau 1 năm triển khai thí điểm hiệu quả, từ 15/9/2023, huyện áp dụng thí điểm thực hiện bắt buộc tất cả du khách không mang túi nilon và đồ nhựa dùng 1 lần ra đảo.
Ngoài ra, tất cả các cơ quan đơn vị hành chính, trường học, chợ, cơ sở kinh doanh dịch vụ, tàu đánh bắt hải sản trên địa bàn Cô Tô cũng không được sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần và các vật liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường biển.
Để triển khai quy định này, UBND huyện đã đề nghị Sở GTVT, Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh, Cảng vụ đường thủy nội địa tại Vân Đồn - Cô Tô phối hợp tuyên truyền tới các hãng tàu vận tải hành khách, hàng hóa đến Cô Tô; kiểm tra yêu cầu chủ các phương tiện, hành khách không mang túi nilon, chất thải nhựa dùng một lần lên đảo Cô Tô; xem xét chỉ cấp lệnh xuất bến khi các hãng tàu đảm bảo quy định trên.
Để phát triển du lịch bền vững, các cấp chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân tiếp tục chung tay, tạo dựng môi trường xanh cho hoạt động của ngành du lịch bằng những hành động thật thiết thực, xuất phát từ những hành vi nhỏ nhất. Các doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động kinh doanh; sử dụng năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch, vật liệu tái chế, tiết kiệm năng lượng; có trách nhiệm với môi trường...
Du lịch xanh đang trở thành một xu hướng quan trọng và hấp dẫn
Du lịch xanh đang trở thành một xu hướng quan trọng và hấp dẫn, đồng thời đó cũng là một cơ hội để bảo vệ tài nguyên tự nhiên, duy trì cân bằng môi trường và thúc đẩy sự phát triển bền vững. Việt Nam, với vẻ đẹp tự nhiên tuyệt vời và di sản văn hóa độc đáo, có tiềm năng lớn để phát triển du lịch xanh. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu này, Việt Nam cần đối mặt với những thách thức và cần có những giải pháp đúng đắn. Bài viết tập trung đánh giá thực trạng du lịch xanh ở Việt Nam, làm nổi bật những ưu điểm, hạn chế còn tồn tại trong quá trình phát triển, từ đó tác giả đề xuất một số khuyến nghị chủ yếu đối với các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch nhằm thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững.
Du lịch xanh được hiểu là du lịch dựa trên nền tảng khai thác hợp lý và hiệu quả các nguồn tài nguyên, phát triển gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu. Du lịch xanh mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho các địa phương và cộng đồng, bao gồm: Bảo vệ môi trường: Du lịch xanh đặt sự bảo vệ môi trường làm trọng tâm, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực lên các nguồn tài nguyên tự nhiên như đất đai, nước, rừng và đời sống động vật. Bảo tồn văn hóa và di sản: Du lịch xanh khuyến khích sự tôn trọng và bảo tồn các giá trị văn hóa và di sản địa phương. Tạo thu nhập và việc làm: Việc phát triển du lịch xanh thường đi kèm với sự tham gia của người dân địa phương trong các hoạt động du lịch, từ việc cung cấp dịch vụ, sản xuất hàng hóa địa phương cho đến việc hướng dẫn du lịch và giáo dục du lịch. Kích thích phát triển kinh tế: Việc tăng cường du lịch xanh thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm và dịch vụ địa phương, từ nhu cầu về lưu trú, ẩm thực địa phương cho đến việc mua sắm các sản phẩm thủ công truyền thống và du lịch trải nghiệm. Tăng cường nhận thức và giáo dục: Du khách tham gia du lịch xanh sẽ được trải nghiệm và tiếp xúc trực tiếp với các hoạt động bảo tồn môi trường, gặp gỡ cộng đồng địa phương và hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên và văn hóa địa phương, từ đó được nâng cao nhận thức về bền vững và khuyến khích thay đổi hành vi du lịch tích cực. Tạo trải nghiệm du lịch độc đáo: Du lịch xanh mang đến trải nghiệm du lịch độc đáo và gần gũi với thiên nhiên và văn hóa địa phương.