Ông Trần Đức Phấn - Trưởng đoàn TTVN dự SEA Games 32: 'Điều chỉnh nhân sự không ảnh hưởng tới chỉ tiêu huy chương'

Tổng cục TDTT và lãnh đạo Đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) dự SEA Games 32 đã buộc phải có sự điều chỉnh số lượng thành viên nhằm phù hợp hơn với tình hình thực tiễn, song sự thay đổi này không làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu chuyên môn tại đại hội, theo khẳng định của Trưởng đoàn Trần Đức Phấn.

Điều chỉnh số lượng theo hướng giảm bớt thành viên

* Thưa ông Trần Đức Phấn, được biết đoàn TTVN dự SEA Games 32 đã phải có sự điều chỉnh về số lượng thành viên trước khi trình danh sách để lãnh đạo Bộ VH, TT&DL ban hành quyết định thành lập đoàn, ông có thể thông tin rõ hơn về việc này? 

- Ông Trần Đức Phấn: Vừa qua, sau khi xem xét tình hình thực tế và căn cứ vào danh sách cán bộ, chuyên gia, HLV, VĐV tham dự SEA Games 32 mà các bộ phận chuyên môn đã tổng hợp trước đó, Tổng cục TDTT và Đoàn TTVN đã có buổi làm việc để rà soát lần cuối trước khi báo cáo lãnh đạo Bộ VH, TT&DL vào sáng ngày 4/4.

Về cơ bản, danh sách có sự điều chỉnh theo hướng giảm bớt thành viên cho phù hợp hơn với điều kiện hiện nay nhưng trên tinh thần tạo điều kiện tối đa cho các VĐV thi đấu tại SEA Games 32. Trong chiều ngày 4/4, phía Tổng cục TDTT đã hoàn tất danh sách và các thủ tục về văn bản để có thể trình lãnh đạo Bộ VH, TT&DL phê duyệt trong ngày 5/4.

* So với những lần tham dự SEA Games trước đây, việc huy động các nguồn kinh phí xã hội hóa để đoàn TTVN đến SEA Games 32 có nét gì mới không, thưa ông?  

- Thành viên Đoàn TTVN dự SEA Games 32 vẫn bằng 2 nguồn kinh phí như trước. Một là từ ngân sách của nhà nước, còn lại là từ nguồn xã hội hóa từ các địa phương, Liên đoàn hoặc Hiệp hội thể thao quốc gia. Trong thành phần đoàn dự SEA Games 32 cũng có một số đội tuyển sẽ dự SEA Games bằng kinh phí xã hội hóa, ví dụ như đội tuyển Thể thao điện tử (E-Sport), đội tuyển Breaking (Nhảy Breakdance).

Thực tế thì tỷ lệ các đội tuyển tham dự bằng nguồn xã hội hóa so với các kỳ Đại hội gần đây chưa cao vì nhiều lý do, nhưng Đoàn TTVN sau khi điều chỉnh nhân sự vẫn tham gia đầy đủ 31 môn với tổng số 39 phân môn trong chương trình thi đấu SEA Games 32 và không có sự thay đổi quá lớn so với kế hoạch đã xây dựng.

Mục tiêu vào tốp 3 toàn đoàn

* Được biết, trước đây Đoàn TTVN dự SEA Games 32 đặt mục tiêu giành từ 100 đến 120 HCV và lọt vào tốp 3 toàn đoàn trên bảng tổng sắp huy chương chung cuộc. Sau khi điều chỉnh số lượng thành viên có ảnh hưởng gì đến các chỉ tiêu chuyên môn không, thưa ông? 

- Đoàn TTVN vẫn giữ nguyên chỉ tiêu chuyên môn tại SEA Games 32. Theo tính toán, nếu giành được từ 100 đến 120 HCV, Đoàn TTVN sẽ lọt vào tốp 3 trên bảng tổng sắp huy chương chung cuộc. Các đội tuyển dự SEA Games 32 cũng đều được giao chỉ tiêu chuyên môn hết sức cụ thể và phải nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc biệt, các đội tuyển nằm trong nhóm môn Olympic, ASIAD hay các VĐV trong danh sách đầu tư trọng điểm đều hướng tới mục tiêu giành thành tích cao tại SEA Games 32. Hay như đội tuyển bóng đá nữ và đội tuyển U22, chúng ta đang là đương kim vô địch và đặt mục tiêu giành quyền vào chung kết.  

Việc chuẩn bị cho SEA Games 32 đã diễn ra ngay sau khi kết thúc SEA Games 31 và được kết hợp cùng với kế hoạch của ASIAD và Olympic mà ngành thể thao đã chuẩn bị. Nhìn chung, quá trình chuẩn bị không gặp trở ngại nào quá lớn và các đội tuyển đều xác định sẽ phải vượt qua khó khăn.

Ông Trần Đức Phấn - Trưởng đoàn TTVN dự SEA Games 32: “Việc điều chỉnh nhân sự không ảnh hưởng tới chỉ tiêu huy chương”! - Ảnh 1.

Nguyễn Thị Oanh: Danh sách VĐV Việt Nam tham dự SEA Games 32 mới được điều chỉnh lại nhưng chắc chắn sẽ vẫn đầy đủ những hy vọng vàng như Nguyễn Thị Oanh (trái). Ảnh: TTXVN

 * Ngay sau SEA Games 32, Đoàn TTVN sẽ tham dự ASIAD 19 và các giải đấu tranh vé tham dự Olympic 2024. Điều khiến người hâm mộ lo lắng là việc quá tập trung vào SEA Games liệu có ảnh hưởng lớn tới khả năng chinh phục các đấu trường lớn hơn hay không. Thực tế thì chỉ tiêu của TTVN tại ASIAD là giành từ 2-5 HCV, không có sự đột phá so với kỳ Đại hội châu lục gần đây nhất?

- Việc giành thành tích cao ở đấu trường ASIAD hay Olympic thực tế vẫn là thách thức rất lớn với TTVN trong bối cảnh hiện nay. Điều này tôi cũng đã từng đề cập đến ngay sau SEA Games 31 khi chúng ta có một kỳ Đại hội thành công vượt bậc trên sân nhà. Còn về sự chuẩn bị thì kế hoạch SEA Games, ASIAD và vòng loại Olympic có sự liên thông nhưng không làm ảnh hưởng tới hiệu quả về chuyên môn.

Các VĐV nằm trong danh sách trọng điểm để chuẩn bị thi đấu ASIAD hay vòng loại Olympic sẽ vẫn thi đấu SEA Games 32 nhưng với yêu cầu hết sức cụ thể về chuyên môn, qua đó phần nào đánh giá được năng lực chinh phục các đấu trường lớn hơn.

Ngoài ra, trong kế hoạch chuẩn bị thì việc đầu tư cho VĐV dự ASIAD và vòng loại Olympic từ trang thiết bị, thuốc men, đến tập huấn, thi đấu nước ngoài… cũng cao hơn. Tổng cục TDTT đang nỗ lực để huy động thêm các nguồn kinh phí xã hội hóa, kết hợp với ngân sách nhà nước để đầu tư tốt nhất cho các VĐV và các môn trong nhóm trọng điểm.

SEA Games sẽ được "chuẩn hóa" theo ASIAD và Olympic

* Nhìn vào những trở ngại từ vấn đề kinh phí hiện nay, rõ ràng, việc tham dự SEA Games sẽ tốn một nguồn lực không nhỏ và có thể tác động tới khả năng vươn tầm của TTVN. Nói một cách khác là nếu cứ tập trung cho SEA Games sẽ khiến cơ hội giành huy chương ở ASIAD hay Olympic hẹp lại. Ông đánh giá về vấn đề này như thế nào?

- Với cách thức tổ chức SEA Games như hiện nay là các kỳ Đại hội có sự biến động rất lớn về số môn, số nội dung thì quả thật gây ra nhiều khó khăn cho các quốc gia Đông Nam Á chứ không riêng gì Việt Nam. Thậm chí, các VĐV cũng rất thiệt thòi, vì có khi tập luyện cả năm nhưng đến SEA Games lại không được thi đấu vì không có trong chương trình. Điều này đã được đề cập tới trong hội nghị của Hội đồng Thể thao Đông Nam Á vừa diễn ra tại Thái Lan mà tôi cũng tham dự.

Trong các cuộc thảo luận, Hội đồng Thể thao Đông Nam Á đã thống nhất về cách thức tổ chức kể từ SEA Games 33 tại Thái Lan và đặt ra các yêu cầu cụ thể. Về thời gian, SEA Games sẽ diễn ra trong khoảng thời gian cố định, phù hợp với lịch thi đấu quốc tế. Về chương trình thi đấu, các môn Olympic (nhóm I) và ASIAD (nhóm II) sẽ được ưu tiên tối đa. Riêng các môn đặc trưng quốc gia hay của khu vực (nhóm III) sẽ không quá 2 môn và 8 nội dung. Vấn đề này đang được các bộ phận chuyên môn của Hội đồng tổng hợp lại, sau đó ban hành thành quy định để tất cả cùng thực hiện.

Nhận thức chung của đa số thành viên trong Hội đồng là thể thao Đông Nam Á hiện nay có rất nhiều môn có thể cạnh tranh huy chương ở ASIAD và Olympic nhưng nếu cứ tổ chức SEA Games theo một kiểu khác nhau thì việc định hướng phát triển sẽ cực kỳ khó khăn. Nếu đồng thuận và nhất trí thay đổi theo cách thức như trên thì đây là sự tiến bộ rất lớn của thể thao Đông Nam Á. Với TTVN, chúng ta cũng sẽ xây dựng kế hoạch và định hướng phát triển theo hướng này để SEA Games thực sự là bàn đạp để vươn ra châu lục và thế giới. 

* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi. 

Theo thông tin từ Tổng cục TDTT, Lễ xuất quân đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 32 dự kiến diễn ra vào ngày 19/4. Hiện tại, Ủy ban Olympic Việt Nam cùng các đơn vị liên quan đang khẩn trương xây dựng các kế hoạch chi tiết, kịch bản cho chương trình với mục đích mang lại ý nghĩa nhằm tiếp thêm động lực về tinh thần cho các tuyển thủ quốc gia trước ngày lên đường tham dự SEA Games 32.

Cùng với đó, để VĐV không phải di chuyển nhiều, tránh những tác động khách quan mang lại làm ảnh hưởng tới quá trình tập luyện của các VĐV, BTC đã lựa chọn địa điểm diễn ra sự kiện và Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Hà Nội được ưu tiên hàng đầu. Bởi hầu hết các tuyển thủ quốc gia nhận nhiệm vụ SEA Games 32 đều đang tập huấn tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Hà Nội.


Vũ Lê (thực hiện)

Link gốc: TTVH