Trước khi Hà Nội FC chia tay Hàng Đẫy, bầu Hiển định rót 6000 tỷ biến thành 'Công viên các hoàng tử'
CLB Hà Nội được cho là sắp chia tay SVĐ Hàng Đẫy sau thời gian dài gắn bó theo quy định không sử dụng chung sân của AFC. Nhiều người còn nhớ, bầu Hiển từng suýt biến Hàng Đẫy trở thành một SVĐ tầm cỡ thế giới trong quá khứ.
Bầu Hiển định rót 6000 tỷ biến Hàng Đẫy thành 'Công viên các hoàng tử' như thế nào?
Sau nhiều năm gắn bó với sân Hàng Đẫy, CLB Hà Nội nhiều khả năng sẽ phải chuyển sân nhà sang một địa điểm khác. SVĐ Hà Đông được cho là địa điểm mà CLB Hà Nội lựa chọn.
Trước đó vào cuối năm 2023, LĐBĐ châu Á đã gửi công văn tới VFF về những quy định cấp phép mới cho các CLB, trong đó có nội dung chỉ cho phép tối đa 2 đội bóng sử dụng chung một sân vận động tại giải VĐQG.
Thông thường, VFF sẽ xin cấp phép ngoại lệ với một số tiêu chí. Tuy nhiên với tiêu chí sân thi đấu lần này, việc xin ngoại lệ là không thể. Điều này khiến 3 đội bóng là CLB Hà Nội, CAHN và Thể Công Viettel sẽ không thể sử dụng chung sân Hàng Đẫy làm sân nhà như thời gian qua.
Quy định trên được áp dụng tại các giải đấu của AFC từ tháng 10/2023. Tuy nhiên, AFC chưa đưa ra thời hạn cụ thể với 3 CLB của Việt Nam, tuy nhiên nếu không thực hiện theo quy định này, V-League sẽ bị cắt toàn bộ suất dự cúp châu lục ở mùa giải 2024/25.
Như vậy, CLB Hà Nội đang chuẩn bị chia tay Hàng Đẫy, nơi chứng kiến rất nhiều kỷ niệm với họ. Trong quá khứ, nhiều người hẳn vẫn còn nhớ dự án đại tu sân Hàng Đẫy của bầu Hiển. Đó là một kế hoạch đầy tham vọng của CLB Hà Nội ở thời điểm họ quản lý sân bóng này.
Theo kế hoạch, cuối năm 2018, dự án sẽ được khởi công với kinh phí dự kiến là 270 triệu euro (khoảng 6000 tỷ đồng) cho quy mô 32.158 m2, bao gồm sân vận động 20.000 chỗ, khu vực nhà thi đấu, khu văn phòng làm việc, giải trí…
Bầu Hiển cho biết: "SVĐ Hàng Đẫy mới sẽ được thiết kế 4 tầng hầm và 2 tầng nổi. 4 tầng hầm là bãi đỗ xe công cộng và trong các trận bóng đá thì là nơi đỗ xe cho các CĐV đến sân. 2 tầng nổi sẽ là khu vực SVĐ với thiết kế hiện đại, đẳng cấp đạt tiêu chuẩn FIFA. Ngoài chức năng là SVĐ quốc tế thứ 2 ở Hà Nội, Hàng Đẫy mới sẽ là một trung tâm kinh tế, giải trí của thủ đô".
Sân Hàng Đẫy mới còn là một quần thể với nhà hàng, rạp chiếu phim, các cửa hàng bán đồ thể thao... Mô hình mà CLB Hà Nội nhắm tới cho Hàng Đẫy là SVĐ phức hợp, không chỉ phục vụ cho bóng đá, mà cả các hoạt động sự kiện khác.
Đây cũng là mô hình kinh doanh được nhiều SVĐ trên thế giới lựa chọn. SVĐ Veltins Arena của CLB Schalke 04 (Đức) hay "Công viên các hoàng tử" của PSG (Pháp) không chỉ là sân bóng đá, mà còn là nơi thi đấu của hàng loạt môn thể thao khác nhau, từ bóng đá Mỹ, hockey trên băng, hay thậm chí cả biểu diễn mô tô.
Trong những ngày không có bóng đá, SVĐ có thể làm nơi tổ chức hòa nhạc, hội nghị hay các sự kiện cá nhân. Kể từ khi mở cửa vào năm 2001, trung bình mỗi năm, các SVĐ này tổ chức từ 25 – 30 sự kiện quốc tế và thu hút 1,5 triệu người tới tham gia, nhiều trong số chẳng hề quan tâm tới bóng đá.
Dù dự án của CLB Hà Nội cũng như bầu Hiển là vô cùng tham vọng và sẽ giúp bóng đá Việt Nam hướng ra "biển lớn", nhưng đáng tiếc, kế hoạch này sau đó đã không thể được khởi động và mọi thứ dần đi vào quên lãng trong sự thất vọng của rất nhiều người hâm mộ.