Góc nhìn 365: 'Di sản' của Hải Thượng Lãn Ông

Một tin vui vừa đến với chúng ta: 2 ngày trước, trong kỳ họp tại Paris (Pháp), UNESCO đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn danh sách các "Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2023 - 2024", trong đó có hồ sơ kỷ niệm 300 năm ngày sinh của danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Như thế, Hải Thượng Lãn Ông là trường hợp thứ 7 của Việt Nam được tôn vinh theo hình thức này.

Cũng cần nói thêm về hình thức vinh danh này. Về bản chất, những danh nhân được UNESCO đưa vào danh sách - và kêu gọi mọi quốc gia trên thế giới cùng vinh danh và cùng kỷ niệm - đều là những nhân vật có đóng góp lớn trên các lĩnh vực, đồng thời có tầm ảnh hưởng đặc biệt tới khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, theo tiêu chí của tổ chức này, trong nhiều năm gần đây, việc kêu gọi thế giới kỷ niệm mỗi danh nhân phải trùng với bước tuổi 50 so với năm sinh hoặc năm mất của danh nhân đó.

Chẳng hạn, năm 2021, UNESCO cùng lúc tôn vinh nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu nhân 250 năm ngày sinh và nữ sĩ Hồ Xuân Hương nhân 200 năm ngày mất. Bên cạnh đó, có một số danh nhân rất xứng đáng được UNESCO tôn vinh nhưng sẽ phải chờ rất lâu vì... chưa khớp với bước tuổi 50 năm.

Góc nhìn 365: 'Di sản' của Hải Thượng Lãn Ông - Ảnh 1.

Đoàn công tác Bộ Y tế tham dự kỳ họp lần thứ 42 Đại Hội đồng UNESCO từ ngày 20/11 – 22/11/2023 tại Paris, Cộng hòa Pháp. Ảnh - Bộ Y tế. Nguồn: Internet

Ngoài ra, như chia sẻ từ những người trong cuộc, việc các danh nhân của chúng ta được UNESCO vinh danh cũng liên quan tới công tác xây dựng hồ sơ và đề cử từ phía Việt Nam. Thực tế, từ năm 2015 tới nay, do sự chủ động lên kế hoạch chuẩn bị và xây dựng hồ sơ đề cử, chúng ta đã có liên tiếp 5 danh nhân được UNESCO vinh danh vào các năm 2015, 2019, 2021 (2 trường hợp) và năm nay (2023).

***

Nhìn chung, dù xuất hiện ở những thời điểm lịch sử rất khác nhau, điểm chung ở cả 7 danh nhân Việt Nam từng xuất hiện trong danh sách của UNESCO đều là có đóng góp đặc biệt trong dòng chảy lịch sử, văn hóa của dân tộc. Và do đó, sự tôn vinh từ UNESCO và cộng đồng quốc tế với các danh nhân ấy cũng chính là sự ghi nhận của thế giới về những giá trị nhân văn lớn của Việt Nam.

Với trường hợp mới nhất - Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - có thể nhiều người trong số chúng ta vẫn chỉ đơn thuần biết về ông quanh khái niệm "ông tổ" của ngành y học cổ truyền Việt Nam. Nhưng theo những công trình nghiên cứu về di sản mà ông để lại, đây còn là một nhà triết học - tư tưởng đặc sắc, với những quan điểm vừa nhân văn, vừa đầy tính thời đại về lẽ hành xử hay sự nghiệp trị bệnh cứu người. Và, những tư tưởng"sống vì mọi người" hay "học tập suốt đời" của ông, xét cho cùng, chính là những giá trị luôn được UNESCO ưu tiên tôn vinh và phát triển.

Hãy thử đọc lại một câu văn giản dị của Hải Thượng Lãn Ông để hiểu thêm về điều ấy: "Đã hiến thân cho nghề thuốc thì phải biết quên mình để dồn hết tâm lực vào trước thuật, trước là cứu người, sau là đúc kết để dựng nên ngọn cờ đỏ thắm giữa y trường". Trong ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11, hãy nhìn những giá trị sống - bên cạnh góc độ nghề y - mà ông để lại cho hậu thế là một "di sản" quý...

Trí Uẩn

Link gốc: TTVH