Chuyện thầy trò chân thực và cảm động

Trước bối cảnh văn hóa đọc đang sa sút, vậy mà mới khoảng một tháng, cuốn Chuyện thầy trò (NXB Phụ nữ Việt Nam) của Chu Hồng Vân và Hoàng Hương đã sắp tái bản, quả là một tin hiệu vui. 

Vui vì những câu chuyện đẹp, cảm động và có thật về thầy cô giáo được độc giả đón nhận, chia sẻ. Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) xin giới thiệu bài viết của biên tập viên, nhà văn Nguyễn Hoàng Diệu Thủy về cuốn sách này:

"Tôi học sư phạm nhưng đã không trở thành cô giáo, bạn bè tôi thì làm nghề giáo nhiều, nên tôi cũng quan tâm đến các vấn đề giáo dục. Bởi vậy tôi đã đề nghị hai tác giả Chu Hồng Vân và Hoàng Hương viết một cuốn sách về nghề thầy, về tình thầy trò, dành cho dịp tri ân các nhà giáo. Tôi chỉ không ngờ mình lại đọc được nhiều điều cảm động đến thế.

Các câu chuyện có khi được kể từ góc độ những người học trò, những người đã lớn lên, trưởng thành, mang trong mình ký ức sâu sắc về một thầy cô đã thay đổi cuộc đời họ.

Chuyện thầy trò chân thực và cảm động - Ảnh 1.

Nhà báo - nhà biên kịch Chu Hồng Vân

Một cô bé học cấp ba, đã luôn tủi hổ vì có mẹ làm nghề bán thịt lợn, trong khi bố mẹ các bạn khác là giáo sư, bác sĩ, nhà báo, kiến trúc sư, nghề nào nghe cũng oách. Nhưng một lần cô giáo đã mời chính "bà bán thịt lợn" đó đến lớp, để thoăn thoắt hướng dẫn các học sinh cách pha chế đồ ăn và nấu các món cơ bản từ thịt lợn. Cô bé ấy đã nhận được một bài học sâu sắc về giá trị của lao động và giá trị của gia đình.

"Nằm mơ tôi cũng không nghĩ mẹ xuất hiện một cách ngoạn mục như thế. Lần đầu tiên tôi thấy tự hào về mẹ. Phần cuối của tiết học, cô giáo gợi ý cho chúng tôi thảo luận về công việc của bố, mẹ. Tôi nhớ cô đã nói: "Công việc nào cũng đáng trân trọng, chỉ cần nó chính đáng. Bố mẹ đã vất vả nuôi chúng ta khôn lớn bằng những công việc khác nhau. Và đó là điều ta cần biết ơn và tự hào về bố mẹ".

Chuyện thầy trò chân thực và cảm động - Ảnh 2.

Nhà báo Hoàng Hương

Hoặc đó là người thầy đạp xe đến tận ngôi nhà xa xôi của học trò giục em đi học, gieo cho em niềm tin vào học tập. Đó là cô giáo không thể nào yên lòng trước cô trò nhỏ luôn thui thủi một mình trong trường nội trú vì bố mẹ không quan tâm. Đó cô giáo đã biến đứa học trò nhút nhát trở nên mạnh mẽ và khám phá ra những năng lực của bản thân mình. Hay chuyện về một người thầy nhận dạy tất cả những học trò "cá biệt" khi không nơi nào còn chịu nhận các em…

Chuyện thầy trò chân thực và cảm động - Ảnh 3.

Cuốn “Chuyện thầy trò” của Chu Hồng Vân - Hoàng Hương

Chuyện cũng được kể từ phía những người thầy, khi họ chia sẻ về những tình huống sư phạm đặc biệt mà họ đã trải qua trong hành trình làm nghề. Một người thầy đã bỏ công tìm hiểu xem vì sao một cậu học trò cứ đến tiết năm lại trở nên bấn loạn và có những hành động kỳ cục. Một cô giáo đã chọn tin vào học trò và khuyến khích cậu phấn đấu thay vì đưa vấn đề của cậu ra hội đồng sư phạm và cho cậu chịu án kỷ luật. Và chuyện một cô giáo chủ nhiệm, khi học sinh đánh lộn đã yêu cầu em mời phụ huynh đến gặp, nhưng rồi người cô gặp được lại không phải là bố mẹ em, mà là một thầy giáo cũ, đến xin bảo lãnh và hỗ trợ em học sinh đó.

Chuyện thầy trò chân thực và cảm động - Ảnh 3.

Còn có một cô giáo nhỏ bé ban đêm đạp xe đi khắp thành phố tìm lũ học trò quậy phá, hành động đó của cô khiến chúng vô cùng cảm động, vô cùng hối hận. Lũ học trò sau đó đã viết bản kiểm điểm, sao ra mấy bản, ép plastic mỗi đứa giữ một bản để không bao giờ quên, để nhắc mình sống cho tử tế. Một cậu học trò trong nhóm quậy đó đã lớn, kể rằng trong nhà mình vẫn treo bản kiểm điểm năm nào:

"Nếu chúng tôi bị phạt, thậm chí có thể bị tạm đình chỉ học, cũng sợ đấy nhưng sẽ không có cảm giác hối hận sâu sắc như đã từng. Rất có thể sau khi bị phạt chúng tôi vẫn tìm cách lách được để trốn học, để vi phạm nội quy, vì tuổi học trò vừa bồng bột lại vừa ngông cuồng, thích thể hiện. Nhưng hình ảnh cô với chiếc xe đạp lặng lẽ đi tìm chúng tôi trong đêm khiến chúng tôi không thể nào lặp lại sai lầm lần nữa. Bản kiểm điểm lần đó được photocopy, mỗi học sinh giữ một bản".

                                                                               ***

Cũng có các câu chuyện cũng được kể từ chính góc độ của các tác giả, vốn là những nhà báo nhiều năm làm nghề, khi họ đi thăm những điểm trường vùng cao mùa lũ, chứng kiến các thầy cô bơi trong lũ đi lấy lương thực cho các em. Các nhà báo cũng có dịp gặp những thầy cô chấp nhận mang tiếng "chơi trội" để mang đến sự sáng tạo cho tiết học. Hay gặp những người thầy chọn ở lại với những học sinh khiếm thính, khiếm thị, để dạy chúng hát Quốc ca đầu giờ, bằng tay!

Xã hội chúng ta ngày càng bộn bề, và giáo dục ở một góc cạnh nào đó đã bị thị trường hóa mà trở nên khô cằn. Nhưng những câu chuyện được kể lại ở đây đã nói với chúng ta rằng, bất cứ khi nào, ở đâu cũng có những người thầy tử tế, vun trồng những điều tử tế cho cuộc đời. Tôi tin rằng còn rất nhiều những điều tốt đẹp nữa ở ngoài kia về người thầy, về giáo dục, mà cuốn sách mới chỉ kể được một phần nào đó".

Chu Hồng Vân (Vĩnh Hà) và Hoàng Hương đều là phóng viên mảng giáo dục của báo Tuổi trẻ, với nhiều năm kinh nghiệm, nên các câu chuyện xuất hiện trong sách này đều có được sự cọ xát và chắt lọc qua năm tháng. Chu Hồng Vân còn là nhà biên kịch phim truyền hình, là tác giả các sách Cùng con đi qua tuổi teen (đồng tác giả, 2018), Chân dung của ly hôn (2023)…

Nguyễn Hoàng Diệu Thủy

Link gốc: TTVH