'Núi ấy là núi Tổ của nước ta đó'
Đọc cuốn biên khảo Dọc ngang Ba Vì (NXB Hội Nhà văn, 2023) của "nhà Hà Nội học" Nguyễn Ngọc Tiến, thấy nhiều điều thú vị, đáng suy ngẫm. Làm liên tưởng đến mấy câu thơ trong Mắt người Sơn Tây của Quang Dũng: "Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn/ Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng/ Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc/ Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng".
1. Năm nọ vào miền Tây Quảng Bình, tôi tới bản Eo Bù Chút Mút của bà con người Bru-Vân Kiều. Thấy tên bản là lạ, tôi hỏi già làng, các cụ bảo ngày xưa đỉnh núi gần bản thắt lại như quả bầu nên gọi là Eo Bù, còn Chút Mút, theo giải thích thì na ná như tít mít trong tiếng Việt. Nên có thể hiểu bản Eo Bù Chút Mút là bản rất xa, ở chỗ quả núi thắt như quả bầu. Hình ảnh Eo Bù đã khiến tôi nhớ hồi còn nhỏ, khi nhà cao tầng chưa bủa vây Hà Nội kín mít như bây giờ, những ngày quang mây vẫn nhìn thấy dãy Ba Vì xa xa.
Mẹ tôi bảo ngày xưa núi thắt như quả bầu, đỉnh cao nhất xòe như cái tán, đó là nơi cư ngụ của Tản Viên Sơn Thánh linh thiêng. Để rồi hai chữ linh thiêng ấy đeo bám tôi tới mức mỗi lần đến Ba Vì, tôi đi lại rất dè dặt. Càng dè dặt hơn khi về sau biết Ba Vì có tên chữ là Tản Viên - tán tròn, ở đó có mối liên kết linh thiêng với núi Nghĩa Lĩnh - nơi thờ các Vua Hùng. Đặc biệt cách đây khá lâu, qua một bài báo của Nguyễn Ngọc Tiến, tôi còn biết trong Dư địa chí, Nguyễn Trãi đã viết: "Núi ấy là núi Chủ (Tổ) của nước ta đó".
Với tâm thế ấy và cùng nỗi niềm với Quang Dũng khi "nhớ xứ Đoài mây trắng lắm", tôi đọc cuốn sách Dọc ngang Ba Vì do Nguyễn Ngọc Tiến sưu tầm, biên soạn không phải vì tò mò, mà vì muốn hiểu kỹ hơn về một vùng đất mà hiểu biết của tôi còn sơ sài.
Và tôi không thất vọng. Vẫn với các kỹ năng đã trở thành nét riêng, rất đáng tin cậy, vừa sưu tầm tư liệu kỹ lưỡng, vừa điền dã như người nghiên cứu dân tộc học có nghề, Nguyễn Ngọc Tiến không chỉ tập trung vào dãy núi Ba Vì, anh còn dọc ngang để mở rộng phạm vi khảo sát từ quá khứ đến hiện tại về một vùng đất có lịch sử - văn hóa rất lâu đời và một cộng đồng người cũng rất đa dạng, độc đáo, gần nơi mà hơn 1.000 năm trước Lý Thái Tổ đã định đô.
Theo tôi, cách thức khảo sát như vậy giúp người đọc gặp gỡ Ba Vì trong một toàn cảnh. Ở đó Ba Vì trong quá khứ luôn gắn liền với rất nhiều truyền thuyết, sự tích từng in đậm dấu ấn trong ký ức dân tộc, mà Nguyễn Ngọc Tiến ít kể tả chi tiết, chỉ dày công tìm hiểu để giải thích, làm sáng tỏ một số nội dung liên quan. Tôi coi đây là lựa chọn được cân nhắc kỹ và hợp lý.
Mọi người ít nhiều đều biết các truyền thuyết, sự tích liên quan dãy núi Ba Vì, như truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh, Tản Viên Sơn Thánh là một trong Tứ bất tử của tín ngưỡng Việt Nam... Nhưng ít người biết "tại sao không phải Tam Vì mà là Ba Vì", về "bí ẩn Đền Thượng", "tục chém may", "lễ hội sinh thực khí ở Vân Sa"... Bên cạnh đó là về người Mường định cư rất lâu đời ở Ba Vì qua mô tả, lý giải về "người Mường Ba Vì có miếu thờ Khổng Tử, có đình thờ thần", "đánh chiêng Mường là phụ nữ", "người Mường họ Nguyễn họ Đinh". Cũng như người Dao, vốn đến định cư ở Ba Vì muộn hơn, với các nét độc đáo như "Tết nhảy", "quần chẹt và tục phụ nữ sơn đầu"...
Từ vùng đất theo thời gian đã mang chứa trong đó nhiều lớp "sa bồi" lịch sử, qua Dọc ngang Ba Vì, Nguyễn Ngọc Tiến đưa người đọc đến thời cận đại và hiện đại. Đó là nơi sinh ra Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu, nhà thơ tài danh với sự nghiệp vắt qua hai thế kỷ; là nơi hình thành đồn điền cà phê đầu tiên ở miền Bắc; nơi họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc nổi tiếng làm nhà ở độ cao 1.000 mét để sống "nửa ẩn cư"; là nơi nổi tiếng thời chiến tranh với khái quát "Gái Hà Nội, bộ đội Sơn Tây"; là nơi ngày trước nhiều bến đò, bến phà nay được thay thế bằng các cây cầu hiện đại như Trung Hà, Đồng Quang, Văn Lang...
Đọc các câu hỏi của viên công sứ người Pháp Theodore Muselier khi đứng trước Đền Thượng: "... Họ đã huy động bao nhiêu người để xây dựng ngôi đền? Đường đi vô cùng khó khăn, rất hiểm trở, nguy hiểm, họ mất bao nhiêu thời gian để vận chuyển vật liệu? Ngoài sức người và sức ngựa còn có phương tiện nào tham gia vào việc này?", chúng ta có thể hình dung được phần nào công phu của tiền nhân. Rồi tôi miên man nghĩ về vị thánh được thờ trong đền" càng thấy từ xa xưa, hình ảnh và việc thờ cúng Tản Viên Sơn Thánh đã có ý nghĩa như thế nào trong đời sống tâm linh của dân tộc. Với không gian linh thiêng của xứ Đoài, dường như không phải ngẫu nhiên ngày trước Bác Hồ đã chọn Đá Chông đặt nơi làm việc; cũng không phải ngẫu nhiên hậu thế lại chọn Ba Vì để lập đền thờ Người.
2. Xứ Đoài vùng đất cổ với những ngôi đình cổ, những ngôi nhà cổ. Qua câu thành ngữ "Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài", Nguyễn Ngọc Tiến cùng người đọc đến với các ngôi đình từng làm cho xứ Đoài xưa kia sánh ngang phía Nam kinh thành Thăng Long với các cây cầu, sánh ngang Kinh Bắc với những ngôi chùa.
Đáng tiếc đã lang thang tứ xứ mà trong ba ngôi đình cổ còn lại của xứ Đoài, tôi mới thăm đình Tây Đằng, còn đình Thanh Lũy và Thụy Phiêu thì chưa. Đọc Dọc ngang Ba Vì thì biết ba ngôi đình đều xây thời nhà Mạc, tức là cách đây khoảng 500 năm. Lại nghĩ phải đến đó một lần vãn cảnh.
Khảo cứu xứ Đoài, Nguyễn Ngọc Tiến còn dành nhiều trang viết về làng cổ Đường Lâm - ngôi làng độc nhất vô nhị ở Việt Nam, là nơi xuất thân của hai vị vua lừng danh trong buổi đầu giành lại độc lập từ tay phong kiến phương Bắc, đó là Phùng Hưng - Bố Cái Đại Vương và Ngô Quyền.
Những ngôi nhà cổ ở Đường Lâm và ở một số làng lân cận có tuổi đời hàng trăm năm, với kiến trúc cổ truyền độc đáo, chạm khắc cầu kỳ, tinh xảo, với đồ thờ tự (bài vị, hoành phi, câu đối...) được lưu giữ từ thời ngôi nhà mới xây dựng. Với những chiếc giếng đá ong bốn mùa nước trong vắt, mát lạnh... cuốn hút không chỉ vì tuổi lịch sử, mà còn vì giá trị văn hóa, không dễ tìm ở nơi khác.
Theo lý giải của Nguyễn Ngọc Tiến, mật độ cao của những ngôi nhà cổ ở vùng Đường Lâm có nguyên nhân từ xa xưa xứ này trên bến dưới thuyền, cư dân sớm hoạt động buôn bán giao thương, lại có nhiều nghề thủ công như mộc, rèn, đánh đá ong, đan lát, dệt lụa, nấu mật mía... nên tiền bạc rủng rỉnh. Như tác giả viết: "La Phẩm (nay thuộc xã Tản Hồng) thời Hậu Lê xưa là trú sở của Sơn Tây rất giàu có nên mới có câu "Lúa Phú Xuyên, tiền La Phẩm", tiền nhiều thì nhà xây, nhà gỗ cũng nhiều. Một yếu tố do thiên nhiên mang lại là Sơn Tây, Ba Vì sẵn đá ong, lại gần rừng, vì thế thuận tiện cho việc xây cất nhà cửa".
Nhưng thực trạng các ngôi nhà cổ ngày nay cũng là nỗi niềm của tác giả: "Nước chảy đá còn mòn, không có gì vĩnh cửu. Thời gian, khí hậu khắc nghiệt, đang hủy hoại nhà cổ, một vốn quý và cũng là tài sản một vùng hay quốc gia. Sự chậm trễ trong đánh giá, xếp hạng nhà cổ khiến dân khó xử với ngôi nhà của chính mình, còn nhà nước cũng không có căn cứ để hỗ trợ, kết quả là những ngôi nhà cổ ở Ba Vì cũng tăng nguy cơ mai một".
Khép lại cuốn sách, lại nghĩ ở nước Nam này khó có thể tìm thấy vùng đất nào mà thời hiện đại, các truyền thuyết, huyền thoại vẫn sống động, "cái thiêng" từ ngàn xưa vẫn ẩn hiện đâu đó trong tâm thức cộng đồng. Và hình như còn một điều đặc biệt là khi hướng đến "cái thiêng" ở Ba Vì, ít thấy những hoạt động tâm linh nhuốm màu vụ lợi?