'Người giàn khoan' Vũ Việt Hoa
Thật hiếm gặp, một cô hiệu trưởng trường tiểu học, vốn "ngoại đạo" với văn chương và dầu khí, lại có bài thơ được chọn để đưa vào SGK. Đây cũng là lần đầu tiên, sách giáo khoa có thơ về những người làm dầu khí, một ngành nghề mũi nhọn, nhưng đầy gian lao của Việt Nam.
Bài thơ Người giàn khoan được đưa vào Tiếng Việt 4, tập 2, bộ Cánh diều. Đây không chỉ là niềm vui riêng của tác giả, mà còn là sự xúc động với những người lao động đầy gian khổ trong ngành nghề này.
* Chị có thể chia sẻ cảm hứng nào khiến một người "ngoại đạo" văn chương viết "Người giàn khoan"?
- Tôi sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, nhưng quê hương thứ 2 của tôi chính là thành phố Vũng Tàu - "thủ phủ" dầu khí của Việt Nam. Hàng ngày đi từ nhà đến trường, tôi thường đi qua một bùng binh rộng lớn, ở đó có tượng đài biểu tượng dầu khí rất đẹp. Ngắm tượng đài với hình ngọn lửa vút lên giữa nền trời xanh mỗi ngày đã tạo nên nhiều cảm hứng đẹp đẽ trong tôi.
Trường của tôi ở số 28 đường 30 Tháng 4, kề bên đó là số 30 - 32 đi vào cổng sân bay công ty trực thăng miền Nam, nơi có nhiệm vụ đưa đón những kỹ sư giàn khoan ra biển hàng ngày. Có thể nhìn thấy những chuyến bay đi bay về, nghe rõ được tiếng máy bay vội vã cất cánh. Ở trường tôi có những học sinh có bố, có những cô giáo có chồng, có cha là người giàn khoan, có nhà còn có cả bố vợ và con rể cùng công tác chung một giàn khoan với nhau…
Ở trường tôi, có 2 em bé sinh đôi con của cô hiệu phó có bố làm việc ở giàn khoan. Các bé đếm từng ngày chờ bố đi biển về. Nhìn những hình ảnh ấy, cũng như xem những thông tin về giàn khoan xung quanh, khiến tình yêu và sự quan tâm với những con người làm việc ở giàn khoan lớn dần lên trong tôi.
Tất cả những điều ấy giúp tôi có những cảm nhận gần gũi, thân thuộc và đầy mến yêu với những người giàn khoan, để khi viết bài thơ này, chỉ viết trong 1 đêm là hoàn thành.
* Bài thơ được đưa vào sách giáo khoa có ý nghĩa như thế nào với chị?
- Với tôi, viết thơ là giãi bày cảm xúc, tình cảm của mình. Nhưng bài thơ này còn giúp tôi bày tỏ sự tri ân với miền đất Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bao năm qua, vùng đất này đã giúp cho tôi có nhiều sự hài lòng về cuộc sống, về sự phát triển của công việc, của con cái và với tôi đó là miền đất hạnh phúc. Tôi muốn có sự tri ân với quê hương thứ 2 bằng chính sức mình, bằng việc thể hiện tình yêu quý với "người giàn khoan" - một phần rất đặc trưng của vùng đất này.
"Có hai phụ huynh làm việc ở tàu Ruby. Lần hai anh em về bờ, thuyền trưởng giao nhiệm vụ đến gặp cô. Dù chưa biết mặt cô, nhưng cô làm cho thuyền trưởng và anh em rơi nước mắt khi nghe bài thơ Người giàn khoan" - tác giả Vũ Việt Hoa kể.
* Con đường để một tác phẩm vào sách giáo khoa không dễ dàng với cả không ít người viết chuyên nghiệp. Với cô giáo, điều này như thế nào?
- Trước khi tác phẩm vào sách giáo khoa, tình cờ có một người bạn đưa thông báo của Vietsovpetro tổ chức cuộc thi sáng tác nghệ thuật (gồm cả văn thơ, âm nhạc, vẽ…) về ngành dầu khí nhân kỷ niệm 30 năm phát triển. Tôi đã làm bài thơ khá nhanh. Bạn tôi gửi giúp đi, không ngờ tác phẩm đạt giải Ba, không có giải Nhất văn thơ trong cuộc thi này.
Bài thơ được đưa vào in trong tạp chí của Vietsovpetro. Quá trình vào sách giáo khoa có lẽ là một mối duyên tình cờ. Vào đầu năm nay, anh Phúc Long - Chủ tịch Công đoàn Vietsovpetro - gọi điện báo sẽ có giáo sư Nguyễn Minh Thuyết gọi điện để bàn về việc đưa tác phẩm vào sách giáo khoa. Tôi cảm thấy mừng quá… Và tác phẩm may mắn được chọn vào giảng dạy trong chương trình lớp 4.
Thầy Thuyết cho biết dù là ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng hàng chục năm qua chưa có tác phẩm nào viết về dầu khí vào sách giáo khoa. Khi nhận được giới thiệu của Vietsovpetro, giữa hàng trăm bài thơ gửi tới ban biên soạn, mà được chọn, là một niềm vui.
Bài thơ có 5 khổ, được trích dẫn 3 khổ đầu đưa vào sách giáo khoa.
Những chi tiết trong bài thơ này hoàn toàn được chắt lọc ra từ cuộc sống, như hình ảnh vội vã cả cái bắt tay trong bài thơ - là khi tôi và một cô giáo đồng nghiệp đang ngồi nói chuyện ở nhà cô, chợt thấy cô ấy ào ra reo lên khi chồng về: "A, ba Thanh về!" - cùng 2 đứa con ào ra để đón chồng. Khi ấy, tôi nghe anh nói chuyện với vợ lúc lên máy bay trên giàn, anh và một người bạn cả năm nay mới gặp, nhưng vội quá, chỉ kịp bắt tay chào nhau rồi đi. Thơ là câu chuyện cảm xúc, nhưng phải từ những tấm chân tình, thì mới có sự xúc động.
* Được biết, dù là người "ngoại đạo" văn chương, nhưng đây không phải tác phẩm duy nhất của chị?
- Tôi thường viết thơ, viết truyện từ thời sinh viên, khi còn học Đại học Sư phạm Hải Dương. Đến bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn viết truyện ngắn, tản văn, thơ. Tôi là ủy viên Ban chấp hành Hội Tâm lý giáo dục Vũng Tàu, nên thỉnh thoảng những tác phẩm viết ra cũng được đăng trên tạp chí của hội, như một cách chia sẻ với bạn bè đồng nghiệp. Cách chia sẻ ấy đem lại nhiều niềm vui với tôi.
* Vậy thì niềm vui sáng tác có ý nghĩa gì với chị?
- Cuộc sống và công việc nhiều bận rộn, những ý tưởng, tâm tư bình thường cứ cuốn trong đầu mình, chất chồng trong đó, khi được giải tỏa, được nhiều người cùng chia sẻ những rung động của mình thì đó là một niềm hạnh phúc lớn.
Làm quản lý, với bao công việc bận rộn, chúng tôi thường nói đùa với nhau rằng, tính chất công việc không có chỗ cho thơ ca, khiến khô cứng tâm hồn, nhưng tâm hồn tôi được cân bằng hơn khi có văn, thơ.
* Nay thì có tác phẩm vào sách giáo khoa, chắc hẳn niềm vui lan tỏa còn lớn hơn gấp bội?
- Sau khi bài thơ đi vào sách giáo khoa, được truyền thông đưa tin, nhiều người lao động ở giàn khoan chia sẻ sự quan tâm của họ, khiến tôi mừng vui lắm. Còn có những cô giáo ở ngoài Bắc gọi điện thoại trò chuyện về bài thơ, dù chúng tôi chưa gặp nhau, nhưng tựa như tâm giao.
Có một kỷ niệm khiến tôi rơi nước mắt. Có 2 phụ huynh làm việc ở tàu Ruby. Lần 2 anh em về bờ, thuyền trưởng giao nhiệm vụ đến gặp cô. Dù chưa biết mặt cô, nhưng cô làm cho thuyền trưởng và anh em rơi nước mắt khi nghe bài thơ Người giàn khoan. Trước đó, thuyền trưởng cho chủ tịch công đoàn nghỉ 1 ngày, học thuộc và đọc thật diễn cảm bài thơ này. Ngày 30/4, sau lễ chào cờ trang trọng, anh chủ tịch công đoàn đã lên đọc diễn cảm bài thơ Người giàn khoan. Đọc xong anh nói, tôi không biết người phụ nữ này là ai, tôi không biết về cô ấy như thế nào, nhưng cô ấy thật phi thường, vì không biết đứng ở đâu để có thể nhìn tận gian khổ, tận tâm hồn của người giàn khoan chúng ta nhiều như thế. Khi nghe điều này, tôi đã rơi nước mắt xúc động.
Bài thơ đã được nhạc sĩ Vĩnh Hà phổ nhạc, thêm một lần nữa được chắp cánh để lan tỏa rộng hơn.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ!
Chủ điểm Niềm vui lao động
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết (Chủ biên SGK Tiếng Việt 4) cho biết tác phẩm Người giàn khoan nằm trong chủ điểm Niềm vui lao động của chương trình Tiếng Việt 4, bộ sách Cánh diều. Ông là người đã trao đổi với các tác giả biên soạn SGK về ý tưởng: Bên cạnh các ngành truyền thống như nông nghiệp, ngư nghiệp… thì chủ điểm này cần có thêm bài đọc về những ngành kinh tế mới, trong đó có ngành dầu khí. Bởi đây là một lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của đất nước, nhưng từ trước tới nay chưa từng có tác phẩm viết về lĩnh vực này được đưa vào SGK.
Theo tác giả Đặng Kim Nga (thành viên nhóm biên soạn SGK) thì: "Bài thơ xinh xắn, giàu cảm xúc. Qua đó, hình ảnh người lao động ngành dầu khí hiện lên rõ nét. Tác phẩm đã tạo nên những nét vẽ ấn tượng trong bức tranh toàn diện về công cuộc đổi mới đất nước".
Còn theo ông Hoàng Phúc Long (Phó Chủ tịch Công đoàn Vietsovpetro) thì "bài thơ Người giàn khoan khiến tôi thực sự xúc động khi bắt gặp hình ảnh của những người đồng nghiệp và của cả chính mình ở đó. Bài thơ được đưa vào SGK không chỉ là niềm vui riêng của tác giả, mà còn là niềm vui chung của những người lao động ngành dầu khí. Đó là sự tôn vinh ý nghĩa với các thế hệ người lao động đã và đang thầm lặng cống hiến cho sự phát triển của đất nước".