Ông Trần Văn Quỳnh - Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Vị Trí Vàng: "Cà phê và bóng đá là hai tình yêu lớn của đời tôi"
Đấy là trải lòng của ông chủ thương hiệu Cà phê Măng Đen, đang là hiện tượng trong giới cà phê thời gian gần đây.
Tôi cũng nghe rất nhiều HLV, tuyển thủ quốc gia kể về ông với sự tôn trọng và cả lòng biết ơn trước sự hào phóng, tình cảm rất chân tình của ông Quỳnh. Một người kinh doanh lĩnh vực cà phê thành công - một người yêu bóng đá mãnh liệt - một quan chức bóng đá - một nhà báo…, rất nhiều vai trò trong con người doanh nhân trẻ mà độc giả hẳn muốn được biết.
Chúng tôi bắt đầu cuộc trao đổi bằng câu chuyện cà phê. Năm 2019, chàng trai miền Bắc lúc ấy đã là chủ một doanh nghiệp nhỏ ở độ tuổi "tứ thập nhi bất hoặc", đã có chuyến du lịch định mệnh lên Măng Đen. Cũng vừa lấn sang mảng nông nghiệp và trồng trọt, cảm thức Quỳnh bị rúng động trước nghịch cảnh của cây cà phê cũng như thân phận người nông dân trồng cà phê. Trên độ cao 1200m so với mặt nước biển, hệ sinh thái ở Măng Đen quá lý tưởng để tạo ra giọt cà phê mang hương vị đặc trưng, thuần khiết, quý hiếm mà người châu Âu cũng rất thích. Vậy nhưng, bà con địa phương không sống được với cây cà phê. Dù trồng diện tích rộng nhưng luôn phải bán rẻ sản phẩm, bị thương lái ép giá chỉ 3-5 nghìn đồng/ 1 kg quả. Ý tưởng lóe lên: Để giúp bà con yên tâm gắn bó với cây cà phê, phủ rộng diện tích, chỉ có cách cân bằng cung cầu. Từ đó, đưa thương hiệu cà phê Măng Đen bay xa, kể câu chuyện cà phê Măng Đen bằng sự thật, sự tử tế, ông Quỳnh coi đó là những từ khóa cho sự nghiệp cà phê của mình.
Đầu tiên, ông đã ở lại Măng Đen 2 năm (2020-2021), như một gã nông dân thực thụ để "nhiều cùng" - cùng sinh hoạt, trồng trọt, thu hoạch… với bà con. Vụ mùa năm đầu tiên gắn bó với Măng Đen, Quỳnh mua cà phê với giá cao lên đến 17-20 nghìn đồng/kg quả chín. Sau đó, ông mời một tiến sĩ lâm nghiệp hướng dẫn chuyên sâu, tặng giống và khuyến khích bà con trồng cà phê nhằm tăng diện tích.
Đấy là câu chuyện cung - cầu. Và chúng ta bước vào khái niệm, nói cho to tát: Triết lý kinh doanh cà phê của Quỳnh, có gì đặc sắc? Nếu không đặc sắc, hẳn cà phê Măng đen đã bị bóp nghẹt trong một rừng đế chế cà phê ở Tây Nguyên.
Và đây là trải lòng của Trần Văn Quỳnh:
"Tôi muốn kể lại câu chuyện cà phê theo cách của mình. Anh có thừa nhận với tôi: Thứ nhất, chúng ta đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê. Đấy là về số lượng, nhưng chất lượng thì sao? Hỏi đã là câu trả lời.
Thứ hai, thị trường cà phê hiện nay rất bát nháo, phối trộn quá nhiều. Người tiêu dùng không có điều kiện và kiến thức để tiếp cận "cái đạo" của cà phê. "Đạo" đó là: "cà phê thật 100%".
Tức là, 100% cà phê hái chín, rang mộc. Đấy là điều tiên quyết, cốt lõi. Chất lượng là thế, về dịch vụ chúng tôi đưa văn hóa truyền thống trở lại. Tức là ở quán nào, bố cục, không gian, cơ sở vật chất đẳng cấp không thua kém bất cứ thương hiệu cà phê nào ở Việt Nam. Khách đến quán sẽ được tiếp đón ân cần, order tại bàn. Ngồi thời gian bao lâu cũng được, nhân viên tiếp nước uống liên tục. Giá cả bình dân. Đấy là sự tử tế. Phụng sự khách hàng bằng chất lượng sản phẩm nguyên chất cùng tình cảm chân thành- sự thật và sự tử tế sẽ là cảnh giới cao nhất cho xu hướng kinh doanh trong tương lai.
Đấy là những lý do khiến nhiều người khuyên tôi xuất khẩu cà phê thì lợi nhuận tăng nhanh hơn nhưng tôi không làm.
Sau khi thử nghiệm hai quán cà phê ở Măng Đen và thành công trên cả mong đợi, tôi đã đưa cà phê Măng Đen ra Hà Nội. Trong 5 tháng hoạt động, quán mỗi ngày có trung bình 1 nghìn khách. Hiện Café' de Măng Đen có thêm 3 quán ở Hà Nội, 1 ở Hải Phòng, 1 Quảng Ninh. Khách hàng đến thưởng thức cà phê Măng Đen đều được hưởng thụ chất lượng, dịch vụ bản mẫu. Giấc mơ cà phê của tôi không phải thắng thua, mà là chất lượng thật nhất, dịch vụ thân thiện nhất mà bất cứ người bình dân nào cũng có cơ hội thụ hưởng.
* Chúng ta sẽ trở lại câu chuyện cà phê ở những chặng đường tiếp theo. Như đã nói, chỉ một thời gian ngắn, ông đã trở thành một người có uy tín, tầm ảnh hưởng không nhỏ trong giới bóng đá. Đấy cũng là câu chuyện thú vị?
- Tôi sinh ra trong gia đình rất đam mê bóng đá. Ngày tôi lên Kon Tum, khi con trai tôi lên 3 tuổi tôi đã cho ra sân cảm nhận không khí bóng đá. 11 tuổi đăng ký học bóng đá ở CLB Hoàng Anh Gia Lai. Tình yêu bóng đá của bầu Đức đã ám gợi tôi, thôi thúc tôi để rồi từ phụ huynh tích cực, tôi đã được anh Đức tạo điều kiện làm trưởng đoàn các đội trẻ, Giám đốc đào tạo trẻ. Tôi về Kon Tum xây dựng đội trẻ, vừa rồi may mắn lên hạng Nhì. Thấy tôi mê bóng đá quá, rất nhiều giải anh em, bạn bè cứ ới : "Quỳnh ơi xem tài trợ giải với, tội lắm em ơi?". Thú thật nhiều lần trong tài khoản cá nhân có bao nhiêu tôi chuyển hết. Tôi đã nói với vợ con là nhu cầu gia đình không bao nhiêu, chúng ta hãy cho đi. Lời hứa làm ra lợi nhuận cho thật nhiều bao năm qua chúng tôi vẫn thực hiện. Trong đó, bóng đá tôi chia sẻ nhiều nhất.
Các anh lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam ghi nhận nên cử tôi làm Trưởng đoàn nhiều đội tuyển trẻ. Các cháu, các anh trong BHL rất thương tôi. Đại hội Liên đoàn Bóng đá Việt Nam khóa IX vừa qua, tôi may mắn được bầu vào Ủy viên BCH. Đấy là vinh dự cũng là điều kiện để tôi phụng sự tình yêu bóng đá.
* Chúng ta hãy dành ít thời gian cho bầu Đức. Có thể thấy anh chịu ảnh hưởng rất lớn từ ông chủ HAGL trong lĩnh vực bóng đá.
- Đúng thế, tôi học được từ anh Đoàn Nguyên Đức sự dũng cảm. Anh ấy dám mở Học viện bóng đá, hợp tác với Arsenal. Anh mời Kiatisuk về phố Núi. Anh tài trợ lương cho HLV Park Hang-seo...Tất cả những việc anh làm trong thời điểm vô cùng khó thực hiện. Tất cả đã góp phần nâng tầm hình ảnh CLB bóng đá Việt Nam, nền bóng đá và hơn thế nữa. Cho nên, anh ấy bảo tốn 2 nghìn tỷ đồng cho 23 năm chơi bóng đá là đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nhưng, cái anh ấy "lãi" nhất là được cống hiến cho bóng đá cho đất nước, giá trị đó không thể cân đong bằng tiền.
****************
Trần Văn Quỳnh có sự lạc quan kỳ lạ về tương lai của bóng đá Việt Nam. Ông cho rằng trong bóng đá, không phải lúc nào cũng sử hữu một thế hệ cầu thủ giỏi. Vậy nên, đừng cứng nhắc so sánh lứa Quang Hải, Công Phượng, Xuân Trường, Văn Hậu, Duy Mạnh với các em sau này. Thậm chí, các cầu thủ trẻ hiện tại và tương lai đang hội tụ nhiều phẩm chất quan trọng để trở thành cầu thủ toàn cầu như: thể trạng, kiến thức văn hóa và kiến thức chuyên môn, sự quan tâm về mặt đầu tư của xã hội…, đã được nâng tầm. Uy tín của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) ngày càng cao khiến không chỉ FIFA, AFC hết sức quan tâm, hỗ trợ mà nhiều nước đã chia sẻ khó khăn với chúng ta. Điều đó khiến cầu thủ Việt Nam được tạo điều kiện tập huấn ở nước ngoài rất nhiều, cả nam lẫn nữ.
Chính vì thế, vừa qua, đề xuất ý tượng mở Trung tâm Đào tạo Bóng đá Việt Nam tại nước ngoài (ví như Nhật Bản, Hàn Quốc) của ông được lãnh đạo VFF rất quan tâm, ủng hộ. Bởi, chúng ta không phải đầu tư nhiều về cơ sở hạ tầng khi quan hệ tốt đã có sẵn. Trong khi, Trung tâm sẽ là cầu nối chắp cánh cho nhiều tài năng bóng đá Việt Nam ra nước ngoài học tập, rèn luyện từ nhỏ. Chỉ như thế mới vượt giới hạn, giúp các đội tuyển quốc gia đủ khả năng cạnh tranh với các đội tuyển mạnh châu lục và thế giới.
****
46 tuổi, Trần Văn Quỳnh đang miệt mài hàng ngày viết tiếp câu chuyện cà phê, bóng đá và nhiều câu chuyện nữa. Đây là độ tuổi chín muồi, thức ngộ và đủ minh triết để Quỳnh thỏa những đam mê, chọn cho mình một cách sống sao có thể cống hiến nhiều nhất cho xã hội. Ông bảo bản thân không có thứ Bảy, Chủ nhật, nhưng vẫn luôn thấy tràn ngập năng lượng. Phải chăng, triết lý sống thật, cống hiến thật và không ngừng cho đi đã tạo nên nguồn năng lượng dồi dào cho con người thú vị này.