Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 56): Bắt chấy
Trong dân gian ngày trước, có nhiều cách diệt chấy, nhưng chưa thật nhiều hiệu quả. Cách thông thường nhất vẫn là… bắt chấy.
Con chấy (mà người phương Nam gọi là con chí) là một loại bọ rất nhỏ, sống ký sinh trên cơ thể con người và một số động vật để hút máu qua da. Nó là nguyên nhân lây truyền nhiều căn bệnh.
Một thời gian rất dài của lịch sử loài người, vì không có cách diệt triệt để, nên con chấy (cùng với con rận) tồn tại và lây lan cùng với sự đói nghèo và loạn lạc… Nó trở thành một căn bệnh xã hội và cũng từng gây nên những nạn dịch lớn, được ghi trong sử sách thế giới.
Ở Việt Nam, chấy cũng là hiện tượng phổ biến, chủ yếu sống trong môi trường thiếu vệ sinh của những vùng da có nhiều lông tóc. Bình thường nó gây ngứa ngáy, khó chịu…còn khi đang có bệnh truyền nhiễm nó là nguồn lây lan rất đáng sợ.
Thói quen ngồi cạnh nhau, nhất là phụ nữ để tóc dài và ngay cả với đàn ông, việc bắt chấy cho nhau đã thành một nếp sống, thậm chỉ là cách tỏ bày sự thân thiện hoặc trách nhiệm của những thành viên trong gia đình. Nhiều câu ca dao, tục ngữ về con chấy vẫn còn được lưu truyền đến ngày nay.
Cách bắt chấy thường là dùng tay bới tóc rồi bắt từng con, hoặc sử dụng một loại lược có rất nhiều rang để chải tóc, dùng lực tuốt con vật khỏi bấu vào da đầu. Cái lược đặc chủng ấy được gói là "lược bí" (hoặc còn gọi là lược dày). Cái động tác khi đã khống chế được con chấy, người ta lấy móng tay ép mạnh khiến con chấy vỡ bụng mà chết kèm theo một âm thanh đanh, nhỏ, nhưng hấp dẫn những người trong cuộc, tựa như dấu ấn vừa xác lập một chiến công vậy.
Con chấy bị vỡ ra đôi khi có cả máu người vừa hút, trông có phần ghê ghê, vậy mà có người còn ghé răng cắn chết con vật bé nhỏ, nhưng đáng sợ ấy, một cách rất điệu nghệ…
Nhưng tất cả việc làm đã trở thành thói quen ấy chỉ toát lên một không khí thân thiết, chăm sóc nhau trong cộng đồng. Bạn bè thân nhau luôn lấy chuyện con chấy ra làm chứng.
Trong các tư liệu ảnh của người Pháp để lại, ngoài những tấm ảnh của ngành y tế mô tả con chấy, hoặc hướng dẫn cách diệt và phòng chấy, người ta còn in ra bưu ảnh như một phần giới thiệu về xứ thuộc địa, nơi mà dân chúng vẫn còn lạc hậu và cần đến văn minh của chính quốc (!?).
Mặt khác, ta cũng thấy các nhà nhiếp ảnh và xuất bản bưu ảnh cũng rất quan tâm đến những tập quán xã hội, giúp cho đời sau hiểu được những thời đã qua, dưới góc nhìn của các nhàdân tộc học.
Xưa kia, trong nhà, nhất là những nhà có nhiều đàn bà con gái, cái lược bí là vật dụng không thể nào thiếu được. Cái lược bí làm rất khéo, với những hàng răng chuốt rất khít, khiến cho mỗi lần chải tóc con chấy không thể bám vào da hoặc tóc, mà phải buông những cái chân đầy gai góc và rơi ra ngoài.
Giờ đây, đời sống đã có nhiều cải thiện, vệ sinh tốt hơn, có nhiều dược chất làm sạch tóc và thân thể hiệu quả hơn xưa rất nhiều, nên con chấy ít được nhắc đến, tưởng như đã không còn, nhất là ở nơi thành phố.
Nhưng đọc báo thấy mấy làng nghềnhiều đời sản xuất lược bí–mà nổi tiếng bậc nhất là làng Vạc, tỉnh Hải Dương, nơi thờ thành hoàng là vị tiến sĩ họ Nhữ vốn từng đi sứ sang Tàu học được nghề làm lược bí về truyền cho dân từ thế kỷ 18 - đến nay vẫn giữ được nghề.Tuy không được thịnh như xưa, nhưng nghề làm lược bí vẫn còn duy trì được, nên trong lòng thắc mắc: "Không lẽ con chấy vẫn còn ư"?!
Cũng chính vì viết bài này, mở mạng ra mới biết việc chống chấy rận vẫn là côngviệc thường xuyên của ngành y tế dự phòng, để đối phó với con vật nhỏ bé, nhưng sống thật dai dẳng.