Lê Đình Tiến - gửi hồn thơ trôi về phía làng

Tập thơ Mây trôi phía làng (NXB Hội Nhà văn) của tác giả Lê Đình Tiến gồm 39 bài thơ lục bát với cảm hứng chủ đạo là tình yêu làng quê dạt dào, đã đoạt giải tác phẩm xuất sắc Giải thưởng Văn học nghệ thuật 2022 của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Đáng nói, đây là tập thơ đầu tay của cây viết trẻ Lê Đình Tiến.

Thơ đẫm hồn quê nồng nàn

Ngay từ nhan đề,Mây trôi phía làng đã hệt như một tiếng tự tình dành cho làng quê với nỗi nhớ thương vời vợi. Lê Đình Tiến cho biết, trong những ngày xa quê anh vẫn thường nhìn về phía chân trời, thả hồn theo những áng mây bay về phía xa xăm mà ngẫm nghĩ về quê hương: "Có lẽ trong những buổi chiều, khi nhìn về phía cuối chân trời, về phía hoàng hôn, người ta sẽ nhớ về một cái gì đó đã khắc tạc trong tâm trí bằng thứ cảm xúc da diết trỗi dậy. Với tôi, tôi nhớ về làng quê của mình".

Lê Đình Tiến - gửi hồn thơ trôi về phía làng - Ảnh 1.

Tác giả trẻ Lê Đình Tiến, sinh năm 1990

Thế giới thơ của Mây trôi phía làng đích thực như một chuyến hành trình trở về với miền ký ức thẫm đẫm hồn quê của một thời xa vắng. Miền ký ức ấy có rơm rạ,  có củ khoai, củ sắn, có gốc gạo, bụi tre, có ao chuôm, cổng làng, có người mẹ sớm hôm tần tảo, có người bà thơm thảo, dịu hiền v.v… Tất cả hiện diện như những vẻ đẹp chắt chiu của làng quê còn vương lại đâu đây trong thơ Lê Đình Tiến.

Đâu chỉ viết về cảnh quê xưa cũ, Lê Đình Tiến còn gửi vào thơ cả những nỗi niềm trăn trở trước sự thay đổi của làng quê giữa thời hiện đại. Thơ anh viết về cảnh cũ, người cũ nhưng vẫn đầy ăm ắp hơi thở của nhịp sống mới. Viết Mây trôi phía làng, tác giả cho biết đã "lấy cảm hứng từ những dấu ấn xưa cũ và đan cài thêm những sự thay đổi của cuộc sống hiện tại đang diễn biến ở làng quê".

Lê Đình Tiến - gửi hồn thơ trôi về phía làng - Ảnh 2.

Có những câu thơ Lê Đình Tiến viết về những mất mát của làng xưa quê cũ: "Làng tôi mất một lối mòn/ Không còn tường cũ, không còn hàng cau"; "Cây cau cũng chặt bao giờ/ Những đêm trăng phải thơm nhờ nhà bên". Hay, có những câu thơ viết về đời sống mới đã "xâm nhập" vào làng quê: "Chợ làng cạnh gốc cây si/ U tôi vẫn đạp con mini tàu/ Gái quê học thói sang giàu/ Xài iPhone với nhuộm đầu cũng xinh"; "Trẻ con lên mạng xem trâu/ Tiếng gà xáo xác thi nhau thở dài".

Đọc Lê Đình Tiến dễ thấy phảng phất sắc thái chân quê như bao cây bút khác. Song, Tiến viết về cảnh quê, người quê với một giọng điệu riêng mới và có bản sắc. Anh khéo léo gói ghém câu chữ tưởng thô mà lại rất duyên, tưởng nhạy cảm mà lại ý nhị vô cùng. Ví như những câu thơ: "Chị qua cái thuở còn son/ Cầu ao rửa đít cho con ỉa đùn" (Về lại làng xưa); "Về quê cứt lợn làm hoa/ Ta về ta hái mẹ ta gội đầu" (Về quê). Hay "Mải nghe chim hót trên cao/ Bâng khuâng chân dẫm cả vào cứt trâu… Lối mòn uốn lượn đong đưa/ Cũng cong như ngực gái chưa có chồng/ Hình như cái áo ngực hồng/ Cho nên con cuốc phải lòng bụi tre" (Một sớm đường làng).

Rõ ràng, thơ Lê Đình Tiến chẳng dùng từ ngữ cao sang hay câu chữ chải chuốt để tạo dấu ấn. Thay vào đó, thơ anh mang vẻ thô mộc, dung dị thuần chất quê như lời ăn tiếng nói thường ngày và gần gũi đến độ ai đọc cũng dễ cảm mến, dễ nhớ, dễ thuộc từa tựa ca dao, tục ngữ.

Lê Đình Tiến - gửi hồn thơ trôi về phía làng - Ảnh 3.

Nhà thơ trẻ Lê Đình Tiến (thứ 7 từ phải sang) nhận Giải thưởng Văn học nghệ thuật 2022

Có được cái chân chất thấm đẫm hồn quê trong thơ là điều không quá khó hiểu với trường hợp của Tiến. Anh vốn sinh ra và lớn lên ở vùng Khoái Châu (Hưng Yên), nơi có đầm Nhất Dạ gắn với mối duyên kỳ ngộ của Chử Đồng Tử và Tiên Dung vẫn được lưu truyền như hồn thiêng dân tộc, nơi có điệu hát Trống quân trên nền lục bát mộc mạc, chân phương mà say đắm lòng người.

 Và chính Lê Đình Tiến cũng thành thực: "Tôi đã sống ở làng quê từ nhỏ. Gắn bó tuổi thơ và cuộc sống hiện tại với làng quê nên đời sống của người quê cứ tự nhiên thấm vào trong tôi. Đến với thơ ca có lẽ cũng từ cái duyên của một con người yêu văn hóa làng quê, yêu văn hóa dân gian và yêu cả cái đẹp đẽ của những ngày xưa cũ".

"Một cái gì đó khe khẽ vang lên trong tôi và lan tỏa. Lúc đó, tôi thấy những ngọn gió đồng quê từ xa xôi thổi về. Nó da diết, nhớ thương, xao động và mang một vẻ u hoài… những câu lục bát về một miền quê còn lam lũ và nhiều xưa cũ của một chàng trai sống trong thời hiện đại đã tràn qua và làm cho những tán cây trong tâm hồn tôi rung lên. Chỉ điều ấy thôi đã nói lên tất cả về nghệ thuật thi ca" - Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói về những bài lục bát của tác giả Lê Đình Tiến.

Cảm hứng bất tận từ người mẹ

Là một cây viết mới trên thi đàn, vốn liếng chỉ có vỏn vẹn 1 tập thơ đầu tay Mây trôi phía làng ra mắt gần đây, song Lê Đình Tiến đã sáng tác thơ từ năm 18 tuổi. Xa hơn, từ nhỏ, anh đã có một tình yêu nhen nhóm dành cho thơ ca khởi nguồn từ chính người mẹ của mình.

Anh cho hay:"Con đường đến với thi ca của tôi có lẽ bắt đầu từ một chút năng khiếu cộng thêm những ảnh hưởng từ văn hóa làng quê, nơi tôi đã sống từ những ngày thơ ấu và cho đến khi lớn lên. Hơn thế, ảnh hưởng lớn nhất trên con đường đến với thi ca của tôi có lẽ từ chính mẹ. Mẹ tôi là người thuộc rất nhiều ca dao, tục ngữ".

Lê Đình Tiến - gửi hồn thơ trôi về phía làng - Ảnh 5.

Tập thơ “Mây trôi phía làng” (NXB Hội Nhà văn)

"Không chỉ trong Mây trôi phía làng, mà cả trong những sáng tác khác, tôi viết rất nhiều về người mẹ. Vui có, buồn có, đùa vui cũng có và suy tư cũng có. Phải nói rằng, người mẹ là một nguồn cảm hứng dào dạt và bất tận đối với tôi trong sáng tạo thi ca" - anh nói thêm - "Riêng với tôi, nếu không có mẹ, sẽ không có thơ. Hình ảnh người mẹ (và người bà) gần như xuyên suốt trong những sáng tác của tôi. Khi viết bất kể một bài thơ nào về mẹ, tôi đều dồn tất cả tình yêu thương và sự kính trọng vào từng con chữ".

Lật giở 39 bài thơ lục bát trong Mây trôi phía làng dễ thấy hình ảnh người mẹ, người bà được tác giả nhắc tới liên tục. Họ hiện lên trong lam lũ, trong nỗi thương nhớ khôn cùng. Những câu thơ như "mẹ ngồi bán gió heo may cả chiều", "mẹ nằm co những mùa Đông lạnh lùng", "mẹ đội nón dắt cơn mưa qua cầu"… hay "bà về sương khói nên thôi ăn trầu", "bà đang trước cửa ngồi khâu mưa phùn", "bà gieo mình xuống đồng làng"… đều là những hữu cảnh mà tác giả đã từng thấy, từng trải qua. Để rồi, Lê Đình Tiến không chỉ viết riêng về người mẹ, người bà sinh dưỡng. Rộng hơn, anh viết cho cả những bà mẹ chung của làng quê bằng một tấm lòng thực thà.

Hay trong bài thơ có tên Ru bão, Tiến viết: "Ông không qua nổi cơn ho/ Còn nhường áo rách lại cho cái sàng/ Bà khâu nước mắt hai hàng/ Thay ông vá mảnh hồn làng nuôi tôi/…/ Bà gieo mình xuống đồng làng/ Giờ ai vá áo cho sàng, sàng ơi?". Lê Đình Tiến viết ra những câu thơ ám gợi thông qua những nét quê bình dị như thế. Anh cho biết, vốn xưa, người ở quê hay vá cái giần, cái sàng bằng những manh áo rách. Nhưng xúc động ở đây phải là tứ thơ người còn sống đã lấy manh áo của người đã khuất khâu thành sự sống cho những đồ vật tưởng như vô tri. Như thế, dưới lớp vỏ ngôn từ tưởng như thô mộc, Lê Đình Tiến đã chuyên chở những trường liên tưởng đầy sức nặng.

Dẫu viết về cảnh quê, người quê, tình quê hay về mẹ, về bà, sau cùng thơ Lê Đình Tiến không chỉ tái dựng những dấu ấn của một làng quê xưa cũ. Hơn thế, anh gửi vào trong những vần thơ sự lay động của hồn quê, dẫn dắt người đọc về miền an tĩnh, để hướng đến tình yêu quê hương, gia đình, và rộng hơn là tình yêu của con người với con người.

Lê Đình Tiến "Nhớ Tết"

Có những câu thơ viết về mẹ, về bà mà bây giờ nhắc nhớ lại, tác giả Lê Đình Tiến vẫn chưa nguôi bớt những cảm xúc mạnh. Như câu thơ trong Nhớ Tết: "Tết nghèo thương mẹ gánh rau/ Con nhìn chỉ thấy mưa mau trắng trời/ Mẹ về ướt áo mẹ ơi/ Còn ấm cái bánh trong người phần con".

"Đây là những câu thơ viết khi nhớ về cái Tết của làng quê xưa. Có hình ảnh của một người mẹ với gánh rau ở phiên chợ Tết. Vào phiên chợ giáp Tết cuối cùng, người mẹ khi gánh hàng trở về đã gặp trời mưa. Người mẹ ấy dẫu có ướt hết nhưng vẫn giữ ở trong bọc áo một cái bánh rán ấm nóng để mang về nhà cho con mình" - Anh cho biết - "Đó là một hình ảnh xúc động khó tả. Tôi đã viết những câu thơ này trong trạng thái vừa viết, vừa khóc".

Công Bắc

Link gốc: TTVH