Chào tuần mới: Tết này được nghỉ mấy ngày?
Có sớm không, khi chúng ta đã bàn chuyện nghỉ Tết ngay từ đầu mùa Thu như bây giờ?
Câu trả lời là không. Trong tuần qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa công bố 2 phương án đều xuất cho kỳ nghỉ Tết Âm lịch 2024 - theo đó chuỗi kỳ nghỉ của người lao động đều kéo dài 7 ngày, nhưng khác nhau ở thời điểm nghỉ: Từ 29 tháng Chạp (đến hết ngày mùng 5 Tết) hoặc từ 30 tháng Chạp (đến hết ngày mùng 6 Tết).
Và như mọi năm, đề xuất này lập tức được đón nhận với những bàn luận rất rôm rả từ cộng đồng.
Không khó để nhận thấy những ưu nhược điểm của cả 2 phương án này. Ở lựa chọn thứ nhất, người lao động sẽ có thêm một ngày nghỉ trước Tết để chuẩn bị đón năm mới, đồng thời một bộ phận lớn trong số họ có thể chủ động hơn trong kế hoạch rời các đô thị để về quê ăn Tết - điều vốn rất phổ biến vào dịp cuối năm.
Còn ở lựa chọn thứ hai, việc về quê hoặc chuẩn bị đón Tết sẽ phức tạp vất vả hơn, nhất là với những người phải vượt một quãng đường xa để về quê nhà. Bù lại chuỗi thời gian "hưởng thụ" cái Tết sẽ kéo dài thêm một ngày so với phương án 1.
Tất nhiên, chẳng lựa chọn nào là hoàn hảo, nếu chiếu theo các nhu cầu và nguyện vọng phức tạp của cộng đồng.
***
Với người Việt Nam, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán không đơn thuần chỉ là kỳ nghỉ lớn nhất trong năm về quy mô. Đó còn là một quãng thời gian gắn với những yếu tố đặc thù về văn hóa, tâm linh theo truyền thống. Và thẳng thắn, theo tâm lý chung của chúng ta, dẫu đi qua một năm vất vả cực nhọc thế nào, mỗi gia đình hay cá nhân đều có muốn có một kỳ nghỉ Tết "cho đã".
Để rồi nhìn lại, so với kỳ nghỉ Tết chỉ diễn ra trong 4 ngày (kể từ 30 Tết) của vài chục năm trước, việc tăng lên gấp đôi về số lượng thời gian của nó như bây giờ vừa cho thấy sự đi lên của đời sống kinh tế xã hội, vừa cho thấy nhu cầu ngày càng đa dạng của cộng đồng trong chuỗi ngày đặc biệt này.
Và ở hướng ngược lại, chính quỹ ngày nghỉ được kéo dài ấy lại đang bắt đầu đặt ra nhu cầu cần tiếp tục thay đổi, để có thể vừa cân bằng nhu cầu và hoàn cảnh riêng của từng đối tượng lao động, vừa có thể đảm bảo giải quyết những phát sinh về giao thông, cung cấp dịch vụ, giao dịch công việc... mà vòng quay của nhịp sống hiện đại luôn đặt ra.
Không phải ngẫu nhiên, đã có những ý kiến cho rằng sau một quãng thời gian "quá độ" với những lịch nghỉ Tết được ấn định theo từng năm, chúng ta rồi cũng sẽ đến lúc phải "chuẩn hóa" và xây dựng công thức cố định về chế độ nghỉ Tết để áp dụng một cách lâu dài.
Công thức ấy cần đảm bảo được số ngày nghỉ Tết cố định theo luật (hiện tại là 5 ngày), đảm bảo được phương án nghỉ bù (cộng thêm các ngày Cuối tuần) lẫn việc hoán đổi những ngày làm việc xen kẽ giữa kỳ nghỉ Tết và dịp cuối tuần liên kề (cho nghỉ thêm và làm việc vào tuần kế tiếp). Rồi, ở góc độ khác, công thức này cũng nên quy định số ngày nghỉ tối đa cho mỗi kỳ nghỉ Tết, thậm chí cả phương án "cắt bớt" ngày nghỉ để chuyển sang một dịp khác trong năm, nếu chuỗi ngày nghỉ ấy quá dài.
Có thể, quỹ ngày nghỉ lễ tại Việt Nam (hiện là 12 ngày) hiện còn đang thấp hơn so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực. Nhưng trong khi chờ điều kiện kinh tế xã hội đủ đảm bảo để "nới rộng" kỳ nghỉ Tết như ước muốn của nhiều người, việc "chuẩn hóa" lịch nghỉ Tết là cần thiết - trước hết là để mỗi gia đình, doanh nghiệp, cá nhân có thể chủ động lên phương án đón kỳ nghỉ này ngay từ đầu mỗi năm mà không phải thắc mắc "Tết này được nghỉ mấy ngày?" như hiện tại.