Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm: 'Phim như cánh cửa nhìn ra thế giới bên ngoài'

Khoảng 7-8 tuổi, tại bãi chiếu bóng công cộng của một làng quê Bắc Trung bộ, có cậu bé tên Lâm say sưa với câu chuyện của 5 em bé trong bộ phim Mẹ vắng nhà. Những câu thoại ngọng nghịu và cách hành xử dễ thương của các nhân vật thiếu nhi miền Nam đã để lại cho Lâm một ấn tượng đặc biệt, nên thường rủ trẻ con trong xóm diễn lại một vài trích đoạn trong phim này.

Những thước phim và kỷ niệm thơ bé đã trở thành ký ức đẹp không bao giờ quên và tình yêu điện ảnh cứ thế lớn lên từng ngày. Rồi vài mươi năm sau, cậu bé ấy trở thành nhà phê bình điện ảnh với rất nhiều bài viết về điện ảnh trên báo và tạp chí. Bài viết Mẹ vắng nhà - Một bộ phim tuyệt đẹp về những đứa trẻ thời chiến tranh được chọn vào sách Ngữ văn 8, tập 2, bộ Chân trời sáng tạo, còn bài Những người thợ xẻ trong sách Chuyên đề học tập Ngữ văn 12, bộ Chân trời sáng tạo.

Những cảm xúc tinh khôi với điện ảnh

* Sau này, khi xem lại phim "Mẹ vắng nhà" để chuẩn bị cho cuốn sách "101 bộ phim Việt Nam hay nhất", hẳn là cảm xúc và cái nhìn của anh đã khác xưa?

- Hồi nhỏ, tôi không biết bộ phim này chuyển thể từ tác phẩm văn chương của nhà văn Nguyễn Thi. Khi lớn lên, đọc 2 truyện ngắn mà phim chuyển thể, biết được đó là câu chuyện có thật, lấy cảm hứng từ cuộc đời của nữ anh hùng Út Tịch và 5 đứa con của chị, tôi cảm nhận thêm một "tầng" khác.

Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm: 'Phim như cánh cửa nhìn ra thế giới bên ngoài' - Ảnh 1.

Nhà phê bình Lê Hồng Lâm

Tình mẫu tử thiêng liêng, mà ở đây là góc nhìn của những đứa con thơ dành cho người mẹ vắng nhà, thật đẹp và xúc động. Và đạo diễn Nguyễn Khánh Dư với tài năng thấu hiểu tâm lý trẻ con cùng khả năng chỉ đạo diễn xuất tài tình, đã điện ảnh hóa câu chuyện có thật ấy lên phim thật trong trẻo, chân thành mà vẫn bay bổng.

Gần 30 năm sau mới xem lại bộ phim để tuyển chọn vào sách, tôi được sống lại những ký ức thời ấu thơ và vẫn thấy được vẹn nguyên cái đẹp trong trẻo, thuần khiết, xứng đáng được gọi là kinh điển trong những bộ phim mà nhân vật thiếu nhi là trọng tâm. Giống như một số bộ phim kinh điển khác về thiếu nhi thời chiến tranh như Con chim vành khuyên của đạo diễn Trần Vũ, hoặc Em bé Hà Nội của đạo diễn Hải Ninh.

* Còn "Những người thợ xẻ", chắc anh cũng có cảm nhận khác khi xem lại?

- Tôi đọc truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trước khi xem phim, nên dĩ nhiên, cảm nhận ban đầu của bản chuyển thể điện ảnh là chưa lột tả được hết chất thơ hoặc chiều sâu trong tác phẩm gốc, đặc biệt khi nói về chủ đề nhân quả, cái ác và sự tha hóa của con người. Dĩ nhiên, bản điện ảnh cũng có một vài điểm sáng như diễn xuất của dàn diễn viên, đặc biệt là Quốc Trị và Lê Vũ Long trong 2 vai diễn chính, các thành viên trong nhóm "kéo cưa lừa xẻ" phá rừng.

Sau này, khi xem lại một vài lần nữa, tôi thấy bộ phim của đạo diễn Vương Đức còn có những thế mạnh riêng trong nghệ thuật dàn cảnh, trong sự khốc liệt trần trụi của những cảnh phim đánh mạnh vào thị giác. Ví dụ cảnh Bường (Quốc Trị) quyết định dùng rựa để chặt ngón chân thối bị hoại tử của Ngọc (Lê Vũ Long) như một cách vừa cứu vừa trừng phạt, vì dám chống đối lại hắn.

Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm: 'Phim như cánh cửa nhìn ra thế giới bên ngoài' - Ảnh 2.

* Với các học sinh, anh có chia sẻ gì để các em có kỹ năng phân tích phim và so sánh khéo léo đến tác phẩm văn học?

- Tôi nghĩ trước hết, các bạn nên vào rạp xem với tâm thế độc lập và chỉ tập trung vào bộ phim, khoan "lôi" cái đầu so sánh ra để làm giảm cảm giác thưởng thức điện ảnh.

Sau khi ra khỏi rạp, các bạn thử trả lời câu hỏi rằng, bộ phim đó có hay và khiến chúng ta suy nghĩ không, có gì đặc biệt trong diễn xuất, trong phong cách kể chuyện bằng ngôn ngữ điện ảnh của đạo diễn. Rồi sau đó, chúng ta mới bắt đầu so sánh với tác phẩm văn chương để thấy bộ phim có phải là một bản chuyển thể trung thành với tác phẩm gốc không? Có những sáng tạo nào khiến bộ phim điện ảnh có góc nhìn riêng không? Hoặc cảnh phim, khung hình nào trong bộ phim mở rộng được trí tưởng tượng của các bạn qua thị giác…?

Dĩ nhiên với những nhà phê bình phim chuyên nghiệp thì đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn thế, nhưng với các em học sinh khi chưa có đủ nền tảng chuyên môn về điện ảnh, các em có thể so sánh những cái cơ bản như thế để hiểu về sự khác biệt của mỗi loại hình nghệ thuật.

* Có đến 5 bài viết về phim của anh được đưa vào sách giáo khoa các lớp. Đó là niềm vui với anh, nhưng nó cũng cho thấy rằng ở ta có rất ít nhà phê bình phim và sách về điện ảnh phải không?

- Tôi cũng ngạc nhiên là không hiểu sao tôi được chọn nhiều thế, từ những bài về phim đã in trong sách đến những bài đã đăng báo. Viết về phim, chắc là khá khó (để hay, ấn tượng) và khá… nghèo, nên chắc hiếm người chọn nghề phê bình phim chăng?

Nhưng gần đây tôi thấy có khá nhiều người viết trẻ viết về phim có một nền tảng khá tốt, được trang bị những kiến thức điện ảnh đầy đủ; chỉ mong các bạn đi được đường dài mà thôi.

Sách điện ảnh đúng là trước đây rất hiếm, nhưng gần đây cũng không quá hiếm nữa. Tôi nghĩ không khí điện ảnh đang lên của Việt Nam hiện tại sẽ kích thích được nhiều nhà làm phim trẻ và các nhà phê bình trẻ trong tương lai.

"Đừng gần quá, cũng đừng xa quá, tốt nhất là trong tầm quan sát để những nhận định của nhà phê bình về nhà làm phim luôn giữ được độ trung lập, khách quan, nhưng đồng thời cũng có tính xây dựng để khơi gợi và phát triển" - Lê Hồng Lâm.

Khoảng cách giữa nhà phê bình và nhà làm phim

* Với anh, khó khăn lớn nhất của một nhà phê bình phim là gì?

- Phê bình phim trên báo chí hoặc phê bình phim dạng học thuật đều có những cái khó riêng.

Với phê bình báo chí, bạn phải chuyển tải được bộ phim đến độc giả qua một dung lượng ngắn, mà vẫn phải "chạm" về bộ phim và truyền cảm hứng cho người khác muốn bước vào rạp.

Với phê bình dạng học thuật, bạn phải có kiến thức chuyên môn rộng và sâu để "giải mã" ngôn ngữ điện ảnh, những ẩn dụ, biểu tượng mà đạo diễn xây dựng trong phim nhằm biểu đạt tầm nhìn và tư tưởng của tác giả, đặc biệt là với những bộ phim nghệ thuật.

Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm: 'Phim như cánh cửa nhìn ra thế giới bên ngoài' - Ảnh 4.

Trang sách “Mẹ vắng nhà - Một bộ phim tuyệt đẹp về những đứa trẻ thời chiến tranh”

* Thoát ra khỏi cảm tình riêng hoặc định kiến, để xem phim với "cái đầu rỗng" và viết bài phân tích với anh có dễ dàng không?

- Dĩ nhiên đôi lúc cũng khó rạch ròi, vì tôi cũng sẽ có những cảm tính chủ quan như bao người khác thôi. Tuy nhiên, tôi vẫn luôn làm việc với cái nhìn khách quan, trung lập nhất có thể trong nhận định về tác phẩm của người khác.

* Khoảng cách tốt nhất giữa nhà phê bình và những nhà làm phim là như thế nào, theo anh?

- Đừng gần quá, cũng đừng xa quá, tốt nhất là trong tầm quan sát để những nhận định của nhà phê bình về nhà làm phim luôn giữ được độ trung lập, khách quan, nhưng đồng thời cũng có tính xây dựng để khơi gợi và phát triển.

Tôi cho rằng nhà phê bình không thể sống thiếu nhà làm phim, nhưng nhà làm phim cũng cần nhà phê bình để tác phẩm của mình được lan tỏa và ghi nhận. Đừng bao giờ nói, "ta không cần nhau".

Vẫn tiếp tục những bản thảo về điện ảnh

* Làm sao để tình yêu điện ảnh trong anh luôn tròn đầy như vậy?

- Có lẽ là vì những ấn tượng nguyên sơ của thời niên thiếu, như tôi từng chia sẻ, mỗi lần chiếc máy chiếu phim bật sáng cùng với tiếng rè rè của cuộn phim đang chạy và luồng ánh sáng kỳ diệu chiếu lên màn hình là mỗi lần tôi được dẫn dắt bước vào một thế giới khác. Tôi yêu điện ảnh và vẫn giữ tình yêu điện ảnh ấy đến tận bây giờ, có lẽ vì luôn xem phim như một cánh cửa để mở ra nhìn thế giới bên ngoài, được thấy những cuộc đời khác, những cái đẹp khác, những đau đớn khác của con người dưới trần gian này.

Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm: 'Phim như cánh cửa nhìn ra thế giới bên ngoài' - Ảnh 5.

Hai trong nhiều cuốn sách của Lê Hồng Lâm

* Anh có thấy mình giống như cậu bé Toto trong phim "Rạp chiếu bóng thiên đường" của đạo diễn Giuseppe Tornatore không?

- Chắc giống ở những năm ấu thơ, dù cái "rạp chiếu bóng thiên đường" của tôi khác lắm.

* Hiện tại, anh có đang chuẩn bị cho cuốn sách nào về điện ảnh nữa không?

- Tôi đang chuẩn bị tái bản cuốn 101 bộ phim Việt Nam hay nhất, với sự bổ sung 12 phim mới được tuyển chọn trong 6 năm qua và loại bỏ 12 bộ phim cũ với tinh thần sàng lọc để tuyển chọn ra những tác phẩm tinh túy nhất qua thời gian. Ngoài ra, tôi đang chuẩn bị cho một bản thảo khác, xin được chia sẻ sau.

* Cảm ơn anh và chúc anh thành công!

Vài nét về Lê Hồng Lâm

Sinh năm 1977 tại Quảng Trị, hiện đang sống và làm việc tại TP.HCM.

Tốt nghiệp Khoa Báo chí, Trường ĐH KHXH&NV - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Các tác phẩm đã xuất bản: Xem chữ đọc hình, Chơi cùng cấu trúc, Cánh chim trong gió, 101 bộ phim Việt Nam hay nhất, Sự lưỡng nan của tình thế làm người, Người tình không chân dung...

Lâm Hạnh (thực hiện)

Link gốc: TTVH