'Bông cánh cò' gây xúc động cả trên sàn diễn và sau cánh gà
Hồng Vân vừa khai trương sân khấu mới bằng vở kịch Bông cánh cò (kịch bản: Nhạc sĩ - NSƯT Bắc Sơn, đạo diễn: Lê Nguyễn Tuấn Anh). Những ngày sắp khai trương, Hồng Vân liên tục khóc… vì hạnh phúc, do chị phải làm lại từ đầu với một địa điểm mới, một phong cách mới.
Bông cánh cò lấy bối cảnh là một làng quê cù lao rất xa ở miền Tây, tuy nghèo khó, nhưng chân chất, tình cảm, với những ngang trái cũng theo kiểu xưa xưa. Tất cả dữ liệu này rất phù hợp để cài vào vở diễn những ca khúc của Bắc Sơn như Còn thương rau đắng mọc sau hè, Em đi trên cỏ non, Bông bí vàng, Sa mưa giông, Bông bưởi hoa cau, Đêm nghe bài vọng cổ…
Cái tình sân khấu bất ngờ
Ngày xưa, đôi bạn thân Hồng Đào - Hồng Vân từng nổi đình nổi đám tại 5B, làm nên nhiều vở kịch đặc sắc. Nhưng khi sân khấu nở nồi, Hồng Vân thành lập kịch Phú Nhuận, còn Hồng Đào sang Mỹ định cư, thì họ hiếm khi diễn chung. Nên khi được mời đóng vai bà Ba Cải trong vở Bông cánh cò, một "bà nội" đối trọng với "bà ngoại" Hai Mạnh do Hồng Vân thủ diễn, Hồng Đào liền bay từ Mỹ về tập tuồng, thu âm, học nhạc… Vậy mà, trước 4 ngày khai trương biểu diễn, Hồng Đào bị bệnh nặng, không thể bay về Việt Nam được, đành làm một video clip xin lỗi bạn bè, xin lỗi khán giả.
Hồng Vân choáng váng. Bích chương, quảng cáo, vé đều in xong, đều có tên và ảnh Hồng Đào, mà khán giả cũng mua hết vé mấy suất, không thể bước lui.
Nhưng thôi, chuyện xin lỗi khi vắng Hồng Đào cũng có thể được, vì khán giả vốn yêu mến và thông cảm cho sân khấu, nhưng tìm ra một người nào để thay vai cho Hồng Đào mới là nan giải. Thời gian chỉ eo hẹp 4 ngày, lại là vở có chất nhạc kịch, chứ không phải kịch nói bình thường, thế mới kinh khủng!
Hồng Vân chợt nhớ Thanh Thủy, cũng là bạn thân của mình, nửa đêm gọi liền, không chờ đợi. Thanh Thủy nửa đêm nghe cú điện thoại cũng choáng váng luôn. Nhưng chị gật đầu ngay, không thể phân vân, bởi chị biết nếu từ chối thì khó có ai dám nhận trách nhiệm này. Thế là, Thanh Thủy bắt đầu chạy đua với thời gian. Ngày nào chị cũng lên sàn tập, vô phòng thu, vừa học nhạc, học thoại, bung mảng miếng diễn xuất, kỹ thuật… tới tận 2 - 3h sáng.
Cả ê-kíp diễn viên cũng phải chạy theo chị, nhất là ca sĩ Cẩm Ly phụ trách vai nữ chính, phải làm lại hầu hết để ăn ý với Thanh Thủy. Nhiều diễn viên đã phải khàn giọng, đã cật lực làm mọi thứ lớn nhỏ để kịp tiến độ, mà không hề than thở một tiếng.
Tình sân khấu còn bất ngờ nữa, là ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu IDECAF đã chấp nhận "nhường" Thanh Thủy cho Hồng Vân suốt từ ngày tập tuồng cho đến khi công diễn hết mấy suất đã bán vé. Bởi Thanh Thủy đang tham gia rất nhiều vở bên IDECAF, nên Huỳnh Anh Tuấn chấp nhận cho đổi lịch diễn.
Mà việc đổi lịch diễn không hề đơn giản, phải tính toán rất đau đầu, vì nghệ sĩ nào cũng chạy sô liên tục, né người này thì phải chạm người kia, đơn vị sân khấu vô cùng mệt mỏi. Ấy vậy mà Huỳnh Anh Tuấn vẫn chấp nhận.
Hồng Vân đã khóc ngay tại buổi họp báo, vì chị không ngờ đồng nghiệp tốt với nhau như vậy. Trong khi thị trường luôn nói tới 2 chữ "cạnh tranh", mà ở đây lại chia sẻ gánh nặng, giải quyết sự cố trong tích tắc.
Một vở diễn dung dị, cảm động
Chân dung người miền Tây hiện lên với tình yêu, tình gia đình, môn đăng hộ đối, nối dõi tông đường… được xử lý cũng khá kịch tính, hấp dẫn, tuy nhiên chủ đạo vẫn là tâm lý tình cảm, đi vào cảm xúc, lấy nước mắt người xem. Kiểu kịch như vậy dễ xem, vừa hấp dẫn, vừa dung dị, ngọt ngào, phù hợp với mọi thành phần và lứa tuổi.
Đặc biệt, với những ca khúc chen vào thay cho lời thoại, thay cho tình huống kịch, thì nghệ sĩ có cách diễn khác đi, phải thể hiện khả năng ca hát của mình. Hồng Vân bắt mọi người phải hát "sống" (live), dù có người khan tiếng (như bản thân chị), thì vẫn có hồn hơn thu sẵn.
Đúng là hát sống có sức chinh phục tốt hơn, khán giả dễ cảm xúc. Vì vậy thành phần diễn viên đều là người có chất giọng đạt yêu cầu, như Lạc Hoàng Long, Tuấn Dũng, Hoàng Yến, Lê Lộc, Thanh Duy, Thanh Thủy, Hồng Vân…; có các ca sĩ hẳn hòi như Cẩm Ly, Minh Luân. Đây cũng là những gương mặt từng quen thuộc của kịch Phú Nhuận, khán giả đã ái mộ.
Riêng Cẩm Ly cũng từng làm quen với kịch và cải lương qua vở May mắn thành sao, Lan và Điệp, nên chị diễn nhẹ nhàng, dễ chịu, không hề lên gân, cũng không chút bỡ ngỡ, chất giọng lại rất phù hợp với nhạc của Bắc Sơn. Chị vào vai cô Tư Liễu, một thiếu nữ lỡ có thai với người yêu, rồi chàng trai ra đi bặt tăm, để cô lại với cảnh nghèo khó, cùng nương tựa mẹ và cậu em, nuôi đứa con lớn khôn. Rồi khi bên chồng tìm về đòi bắt đứa con, cả gia đình đã như rơi vào sóng gió.
Họ phải làm sao giữa một bên là tình, một bên là lý, đứa nhỏ nên sống trong tình thương của gia đình, hay đi tìm tương lai tươi sáng hơn. Sự dằn vặt nội tâm, sự phân vân tự hỏi mình có ích kỷ hay không, sự đau đớn khi mất mát một thứ gì đó, một thói quen gì đó, đều làm người xem thông cảm.
Khán giả đã vỗ tay cho Thanh Thủy không biết bao nhiêu lần, bởi chị không chỉ là "Lê Lai cứu chúa", mà còn thật sự giỏi, làm sáng bừng cả vở diễn. Chỉ trong 4 ngày mà chị xử lý toàn bộ vai diễn của mình như không hề có sự cố gì, vẫn tung hứng ào ào với Hồng Vân, vẫn bung chiêu, bung mảng đầy đủ, khiến khán giả lúc thì khóc theo tình huống bi, lúc lại cười rần rần theo miếng hài.
Đây mới thật sự là Thanh Thủy của ngày xưa, một nghệ sĩ có thể đóng bi sâu sắc, mà vẫn có thể đóng hài duyên dáng, không cần lạm dụng hình thể, ngôn ngữ, nhảy nhót. Thanh Thủy biết đàn, hát cũng hay, nên chị xử lý nhạc dễ dàng, quả là một sự lựa chọn tuyệt vời của Hồng Vân.
Riêng Hồng Vân thì không cần nói, chị vẫn là cao thủ trong việc giữ toàn bộ đường dây kịch bản, bi hài đều vững vàng. Chị không cần quá ướt át, quá ủy mị, chị thể hiện một bà ngoại đôi khi mạnh mẽ, đôi khi nổi loạn uống rượu quên sầu, nhưng cái đau phải toát ra từ bên trong sâu thẳm. Đúng là một nghệ sĩ cao tay.
Trong vai bà ngoại từng đau lòng vì con gái bị phụ tình, từng vất vả chăm bẵm đứa cháu ngoại từ hồi đỏ hỏn, thì tâm lý của bà phức tạp lắm, đau đớn lắm. Những lớp diễn cùng Cẩm Ly và Tuấn Dũng - đứa cháu tội nghiệp - là những lớp diễn rất nặng, Hồng Vân đều xử lý ngọt ngào, khán giả chảy nước mắt.
Khán giả ngồi suốt 3 tiếng đồng hồ, cảm thấy xứng đáng với những kỳ vọng đặt vào sân khấu mới của Hồng Vân.
Tìm lớp khán giả trẻ hơn
Năm ngoái, Hồng Vân đã khóc khi tuyên bố đóng cửa sân khấu Phú Nhuận, sau hơn 20 năm sáng đèn, nhiều đồng nghiệp và khán giả đã rất buồn. Với thành phố hơn chục triệu dân, dù sân khấu còn quá ít, nhưng vài nơi phải đóng cửa, sao không buồn và không băn khoăn cho được. May sao, Hồng Vân đã tìm được địa chỉ mới, đó là Nhà Văn hóa Sinh viên TP.HCM tại số 643 Điện Biên Phủ, quận 3. Nơi đây, từ ban giám đốc cho tới địa phương đều nhiệt tình hỗ trợ, bản thân Hồng Vân thì đang muốn tìm tới lớp khán giả trẻ hơn. Nhờ vậy mà kịch nói lại được sáng đèn.