Vở kịch Mê Đê - kiệt tác sân khấu thế giới chinh phục khán giả yêu cải lương Việt
Mê Đê - tác phẩm kinh điển thế giới lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu cải lương và chinh phục khán giả yêu cải lương Việt.
Đây cũng là tác phẩm đầu tiên được đầu tư, dàn dựng kỹ lưỡng, mở màn cho một năm nhiều hy vọng của Nhà hát Cải lương Việt Nam.
* Kịch cổ điển Hy Lạp lên sân khấu cải lương
Tác phẩm Mê Đê do nhà viết kịch Hy Lạp cổ đại - Euripides chấp bút. Trải qua 2.600 năm, tác phẩm đã được diễn đi diễn lại ở các thể loại sân khấu, trong các liên hoan sân khấu tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, tác phẩm Mê Đê được dịch giả Hoàng Hữu Đản dịch ra tiếng Việt và cũng đã được nhiều sân khấu dàn dựng.
Kịch bản cải lương Mê Đê được Nghệ sỹ Nhân dân Triệu Trung Kiên chuyển thể từ kịch bản kịch thơ do Nghệ sỹ Ưu tú Lê Chức viết. Dưới bàn tay đạo diễn của Nghệ sỹ Ưu tú Lê Chức cùng ê kíp sáng tạo, vở cải lương Mê Đê đã gây bất ngờ với công chúng khi mang tới một phiên bản đảm bảo trọn vẹn giá trị của tác phẩm bi kịch gốc, vừa khiến cho Mê Đê trở nên mới mẻ, sang trọng và thấm đẫm giá trị nhân văn.
Kể từ khi ra đời, Mê Đê đã là một vở bi kịch kinh điển về sự phản bội, lòng tham, sự ghen tuông và cuộc trả thù trong bi kịch. Vì tình yêu, Mê Đê bất chấp tất cả để lấy được tấm da cừu vàng thần thánh đem về cho chồng là Jadong, giúp chàng trả thù vua Pélias. Mê Đê phải cùng chồng và hai con chạy đến vương quốc Coranh ẩn thân. Tại đây, Jadong vì muốn khôi phục địa vị đã phản bội, ruồng bỏ mẹ con Mê Đê ở nơi đất khách quê người để lấy công chúa, con vua Creong trị vì Coranh.
Biết Mê Đê là người đàn bà thông minh nhưng tâm địa độc ác, để bảo vệ bản thân và con gái, vua Creong quyết định đuổi mẹ con Mê Đê ra khỏi xứ sở của mình. Mê Đê đã xin vua Creong cho được lưu lại thêm một ngày. Và chỉ trong một ngày ở lại đó, Mê Đê đã làm nên một tấn bi kịch mà ngàn đời sau nhân loại còn kinh sợ. Người phụ nữ vốn xinh đẹp kiêu sa như hóa dại, cuồng vọng với âm mưu trả thù những người đã làm cho nàng đau khổ. Kết quả, đức vua và công chúa trúng độc mà chết. Cô cũng tự tay sát hại hai con của mình, kết thúc những khổ đau.
Vở diễn do tập thể diễn viên tài năng của đoàn cải lương thể nghiệm, Nhà hát Cải lương Việt Nam tham gia diễn xuất, với hai kíp diễn cùng nhiều tên tuổi diễn viên sáng giá như: Ninh Thị Như Quỳnh, Nguyễn Thị Hà (vai Mê Đê); Nguyễn Minh Hải, Trần Ngọc Tuấn (vai Jadong – chồng Mê Đê); Quách Xuân Thông, Lê Xuân Hùng (vai Creong, vua xứ Coranh); Cù Đức Hảo, Nguyễn Văn Đáng (vai Ê Giê, vua xứ Aten)…
Thông thường, để diễn tả thành công một vai diễn trong bi kịch kinh điển đã là một thử thách đối với một nghệ sỹ. Với nghệ thuật cải lương, khó khăn nhân đôi khi nghệ sỹ vừa phải diễn vừa phải ca, nhưng các nghệ sỹ Nhà hát Cải lương Việt Nam đã nỗ lực để hoàn thành tốt vai diễn của mình.
Nghệ sỹ Như Quỳnh đã thể hiện thành công một Mê Đê trên sân khấu cải lương, khi đưa dẫn dắt khán giả dõi theo từng trạng thái biến đổi tâm lý của Mê Đê, từ yêu thương cho tới thù hận. Cô diễn tả được sâu thẳm nội tâm của Mê Đê qua từng ánh mắt, cử chỉ, hiểu được nỗi đau của người phụ nữ bị chồng phụ bạc, để rồi giằng xé nội tâm đi đến quyết định gây tội ác khiến người đời kinh sợ.
* Nỗ lực đưa cải lương tiếp cận người trẻ
Theo Nghệ sỹ Ưu tú Lê Chức, khi dàn dựng vở diễn, ông và ê kíp sáng tạo đã tôn trọng tối đa tính nguyên bản của tác phẩm. Vở diễn không phô trương, không hình thức chủ nghĩa mà đi sâu vào việc khai thác nội tâm các nhân vật theo đúng hình tượng nhân vật của tác phẩm, khai thác tận cùng ý nghĩa của vở diễn.
Tác phẩm Mê Đê đã thành công khi khắc họa bi kịch thẳm sâu trong tâm lý của người phụ nữ, người vợ và người mẹ. Dù nói về xã hội Hy Lạp cổ đại, nhưng vở diễn mang hơi thở thời đại - Mê Đê đã đấu tranh cho bình đẳng giới, đấu tranh cho quyền sống chính đáng của con người. Vì tham vọng quyền lực mà dẫn tới phản bội tình yêu và gia đình… Bi kịch của nàng có vẻ không xa lạ gì với xã hội hiện đại hôm nay và được biểu đạt khốc liệt hơn khi thể hiện bằng ngôn ngữ cải lương.
Đạo diễn cùng ê kíp sáng tạo đã xoáy sâu vào lý giải những hành động của nhân vật Mê Đê, để hiểu vì sao nàng lại có thể có sự trả thù khủng khiếp đến vậy. Câu chuyện về nàng Mê Đê 2600 năm trước là bài học đắt giá của sự phản bội tình yêu, phản bội lòng tin của con người, đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh con người không nên vì hận thù mà tàn hại nhau, hãy biết dung thứ, buông bỏ để cuộc đời trở lên tốt đẹp….
Chia sẻ lý do lựa chọn kịch bản Mê Đê dàn dựng trên sân khấu cải lương, Nghệ sỹ Nhân dân Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương cho biết, sân khấu cải lương cũng như các loại hình sân khấu khác đang rất thiếu những kịch bản hay, nên lựa chọn dựng Mê Đê là cách làm phong phú cho kịch mục của Nhà hát.
Theo Nghệ sỹ Nhân dân Triệu Trung Kiên, cải lương dựng kịch kinh điển không có gì là khó khăn bởi vốn dĩ đặc trưng của loại hình này đó là luôn đổi mới và tiếp nhận những yếu tố mới, kể cả là kịch phương Tây. Việc thể hiện các nhân vật trong kịch kinh điển giúp nghệ sỹ của Nhà hát trưởng thành hơn, vững vàng hơn rất nhiều.
Ngay sau đêm diễn ra mắt, Nhà hát Cải lương Việt Nam đã có một suất diễn ủng hộ đoàn thể thao khuyết tật tham gia Đại hội thể thao dành cho người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 12 tại Campuchia và một buổi biểu diễn dành cho Học viện Hành chính Quốc gia. Hiện Nhà hát cũng đang có kế hoạch kết hợp với một số doanh nghiệp đưa Mê Đê diễn phục vụ miễn phí cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng.
Êkíp thực hiện vở diễn kỳ vọng, việc dàn dựng một kiệt tác cổ điển phương Tây theo phong cách của sân khấu cải lương đương đại, có sự kết hợp giữa sân khấu truyền thống Việt Nam với sân khấu thế giới sẽ tạo sức thu hút nhất định với khán giả trẻ, đưa cải lương tiếp cận gần hơn với công chúng, đặc biệt là người trẻ.
Có thể thấy với Mê Đê, Nhà hát Cải lương Việt Nam đã thêm một lần minh chứng những nỗ lực cách tân, đổi mới để đưa cải lương gần hơn tới đời sống xã hội và khán giả đương đại.