Bảo vệ sức sống lễ hội truyền thống tại nội thành Hà Nội
Là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng được tổ chức theo nghi lễ truyền thống nhưng các lễ hội trong nội thành Hà Nội lại bị ảnh hưởng rất lớn từ các yếu tố tác động của quá trình đô thị hóa.
Lần đầu tiên, vấn đề khôi phục và phát huy lễ hội truyền thống trong nội thành Hà Nội được đặt ra tại tọa đàm “Bảo vệ và phát huy giá trị lễ hội truyền thống tại khu vực nội thành Hà Nội hiện nay” do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức ngày 3/11, nhằm bảo vệ sức sống cho hình thức sinh hoạt văn hóa này, gìn giữ bản sắc văn hóa của kinh thành Thăng Long xưa.
Giữ lại nét độc đáo của lễ hội tại nội thành
Khu vực nội thành Hà Nội gồm 12 quận có tới 221 lễ hội truyền thống, trong đó quận Ba Đình có 19 lễ hội, Tây Hồ 9 lễ hội, Nam Từ Liêm 23 lễ hội, Long Biên 34 lễ hội, Hoàn Kiếm 10 lễ hội... Trong số này có 9/19 lễ hội truyền thống được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, tiêu biểu như: Lễ hội làng Lệ Mật, đình Trường Lâm (quận Long Biên); hội thề Trung Hiếu đền Đồng Cổ (quận Tây Hồ); lễ hội kết chạ Phú Mỹ - Kiều Mai (quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm); lễ hội chùa Láng (quận Đống Đa)...
Đây đều là những lễ hội truyền thống lâu đời, đa dạng về sắc thái và độc đáo về giá trị, tạo nên bản sắc văn hóa riêng, gắn với lịch sử của kinh thành Thăng Long. Có lễ hội trải rộng nhiều phường, quận, có lễ hội giữ nguyên được truyền thống giao hảo, kết chạ có từ hàng trăm năm nay. Tuy vậy, do sự thay đổi về cộng đồng, môi trường lễ hội, áp lực của cuộc sống hiện đại nên nhiều lễ hội đứng trước nguy cơ mai một.
Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho rằng: So với khu vực ngoại thành thì nội thành Hà Nội thưa vắng các di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có lễ hội. Khả năng mai một của các lễ hội truyền thống tại nội thành càng lớn khi chịu sự tác động của đời sống xã hội, nhất là sự gắn kết cộng đồng ngày càng giảm. Vì vậy, việc bảo vệ các lễ hội truyền thống khu vực này càng trở nên cần thiết để giữ gìn các giá trị văn hóa Thăng Long xưa.
Trước yêu cầu bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa Thăng Long, những năm qua, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cùng chính quyền các quận nội thành nghiên cứu khôi phục các lễ hội để bảo đảm nguyên gốc ban đầu. Năm 2023, nghi thức rước kiệu tại Hội chùa Láng được phục dựng sau 70 năm bị gián đoạn, với hàng vạn người tham gia, đã tạo nên khối đại đoàn kết giữa các cộng đồng thực hành di sản và nhân dân tại các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy cùng chung tay góp phần làm sống lại nghi thức sinh hoạt văn hóa người dân vùng đất phía Tây kinh thành Thăng Long. Hội thề Trung Hiếu đền Đồng Cổ (quận Tây Hồ), lễ hội Thập tam trại (quận Ba Đình), lễ hội 5 làng Mọc (quận Thanh Xuân)... cũng được phục dựng các nghi thức truyền thống nhằm đưa lại sự nguyên vẹn cho lễ hội truyền thống trong nội thành.
Tiếp tục hồi sinh di sản quý
Có thể thấy, các lễ hội trên địa bàn nội thành Hà Nội đã tạo nên sắc thái riêng của những lễ thức, phong tục tập quán truyền thống người Hà Nội. Bảo vệ và phát huy giá trị các lễ hội truyền thống khu vực nội thành Hà Nội là giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa Thăng Long, tạo nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô, góp phần định vị thương hiệu văn hóa Hà Nội. Dù thời gian qua, ngành Văn hóa Hà Nội cùng các quận nội thành đã phục dựng nhiều nghi thức trong các lễ hội truyền thống, giúp lễ hội trở lại với đời sống của nó, song còn rất nhiều lễ hội bị mai một cần được phục dựng.
Nhưng trước hết, như Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Lâm Biền - người chuyên nghiên cứu về văn hóa Việt Nam cho rằng: “Tất cả chúng ta ứng xử với di sản văn hóa thì suy cho cùng, chúng ta chỉ là mảnh ván nhỏ nối quá khứ với tương lai. Nhiều lễ hội của Hà Nội có cái riêng thì cần phải tôn trọng, giữ gìn, bởi thời gian qua nhiều tập tục, nghi thức trong lễ hội được hiểu chưa đúng. Muốn bảo vệ được lễ hội thì phải hiểu đúng”.
Trong rất nhiều giải pháp được đưa ra trong việc bảo vệ, phát huy giá trị lễ hội truyền thống khu vực nội thành, các nhà quản lý, chuyên gia đều cho rằng, cần có sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng trong phục dựng các nghi lễ, nghi thức. Chính quyền phối hợp với các cơ quan chuyên môn sưu tầm tư liệu, tổ chức tọa đàm với các nhà khoa học, xây dựng hồ sơ công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia khi đủ điều kiện, nhân dân cùng tham gia trong việc phục dựng các nghi thức bị thất truyền, cùng tham gia tổ chức lễ hội.
Dưới góc độ là người trực tiếp tham gia tổ chức lễ hội, ông Lê Xuân Kế, Trưởng tiểu ban quản lý di tích đình Phú Mỹ, quận Nam Từ Liêm cho rằng, bên cạnh việc nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thì cần làm tốt công tác tuyên truyền đối với nhân dân về trách nhiệm bảo vệ di sản. Các cơ quan quản lý cũng cần huy động các nguồn vốn đầu tư từ nhiều nguồn lực khác nhau, có chế độ đãi ngộ cho những thực hành, trao truyền di sản.
Trong thời gian tới, nhằm bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Hà Nội nói chung và loại hình lễ hội truyền thống nói riêng cần có sự phối hợp của các cấp, ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng nắm giữ di sản để triển khai đồng bộ các giải pháp. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng khẳng định: Ngành Văn hóa Thủ đô sẽ khuyến khích, tạo điều kiện cho cộng đồng thực hành và phát huy giá trị văn hóa của lễ hội truyền thống, không nâng tầm lễ hội, ngăn chặn các yếu tố tiêu cực, thực hiện nếp sống văn minh trong các hoạt động tại lễ hội. Bên cạnh đó, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tiếp tục hỗ trợ cộng đồng trong nghiên cứu, phục dựng các nghi lễ, nghi thức truyền thống và các trò chơi dân gian, trao truyền tri thức cho đội ngũ nắm giữ di sản kế cận… Dù còn nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm cao của cơ quan quản lý và cộng đồng dân cư, các lễ hội truyền thống khu vực nội thành sẽ dần hồi sinh, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần trong nhân dân.