'Mở kho phim' về đề tài chiến tranh và hậu chiến (kỳ 2): Từ 'Nổi gió', 'Đường về quê mẹ'...
(LTS) Viện Phim Việt Nam vừa tổ chức chương trình chiếu phim khảo sát về đề tài chiến tranh, cách mạng và hậu chiến với 3 bộ phim kinh điển gồm: Nổi gió, Đường về quê mẹ, Ai xuôi vạn lý. Trong bối cảnh Điện ảnh Việt Nam gần đây thiếu vắng những tác phẩm về đề tài này, thông qua đợt phim khảo sát, Viện Phim Việt Nam mong muốn tôn vinh lịch sử vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam, khẳng định sự quan tâm của các cấp đối với sự phát triển dòng phim này trong giai đoạn đổi mới, phát triển, hội nhập của đất nước. Nhân dịp này chúng ta cùng "mở kho" phim để thưởng thức những giá trị đỉnh cao của dòng phim về đề tài chiến tranh.
1. Phim Nổi gió (Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất) được công chiếu vào năm 1966. Phim được chuyển thể từ vở kịch cùng tên của nhà văn Đào Hồng Cẩm, do đạo diễn Huy Thành thực hiện, cùng ê kíp sáng tạo: Âm nhạc (Hoàng Vân); quay phim (Nguyễn Đăng Bảy); diễn viên (Thụy Vân, Thế Anh, Lâm Tới, Văn Hòa, Nông Ích Đạt, Anh Thái...).
Đây là bộ phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam phản ánh bối cảnh chiến tranh ở miền Nam cuối những năm 1960 khi ngay trong một gia đình đã phân chia chiến tuyến. Nổi gió đã khắc họa hoàn cảnh của hai chị em ruột ở hai đầu chiến tuyến. Vân là người chị theo Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Còn người em Trung úy Phương theo Quân lực Việt Nam Cộng hòa.
Bộ phim đã khẳng định tên tuổi, làm nên "thương hiệu" riêng nhất của hai diễn viên Thụy Vân (1940-2023) và Thế Anh (1938-2019), dù lần đầu tiên chạm ngõ điện ảnh. Thế Anh, Thụy Vân đã thể hiện xuất sắc vai diễn của mình tạo nên sự xúc động và ám ảnh với khán giả nhiều thế hệ sau gần 60 năm bộ phim ra mắt.
Có thể nói cơ duyên đã đưa diễn viên Thế Anh vốn có sở trường sân khấu lần đầu chạm ngõ điện ảnh đã tạo được ấn tượng xuất sắc bởi chính diễn xuất tinh tế, cách thể hiện diễn biến, bước chuyển tâm lý âm thầm mà dữ dội; những giằng co, mâu thuẫn trong nội tâm được xử lý quyết liệt mà sâu sắc.
Việc Trung úy Phương trở về, cùng chị đấu tranh cho hòa bình, thống nhất đã thể hiện sự đúng đắn khi lựa chọn giữa lý tưởng chính trị và gia đình ruột thịt, quê hương của mình.
Trước đó, vai diễn này dành cho một diễn viên khác. Dù đã quay được hơn 400m phim, nhưng đạo diễn Huy Thành vẫn cảm thấy chưa ưng ý, quyết định dừng quay để tuyển diễn viên. Diễn viên Thế Anh đã lọt vào mắt vị đạo diễn tài hoa, kỹ tính và nhờ vai diễn này đã ghi dấu ấn trong sự nghiệp điện ảnh của ông. Nổi gió trở thành bộ phim kinh điển; là phim truyện đầu tiên về cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam chống Mỹ.
Nổi gió từng được đề cử hạng mục Crystal Globe của Liên hoan phim (LHP) quốc tế Karrrovy Vary (1966); đặc biệt là tác phẩm đầu tiên đoạt giải Bông Sen Vàng cho phim truyện điện ảnh tại LHP Việt Nam lần thứ nhất (1970). Đồng thời, là một trong ba phim đưa đạo diễn Huy Thành đến Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2007).
2. Phim Đường về quê mẹ (Xưởng phim truyện Việt Nam sản xuất) dựa trên sự kiện có thật là trận đánh giải phóng làng Vây ở Quảng Trị (trong phim đổi thành làng Vân).
Phim thực hiện năm 1970, công chiếu năm 1971 do đạo diễn Bùi Đình Hạc thực hiện, cùng ê-kíp sáng tạo: Kịch bản (Bùi Đình Hạc -– Bành Châu); âm nhạc (Đàm Linh); quay phim (Lưu Xuân Thư); diễn viên: Trúc Quỳnh (mẹ Núi), Lâm Tới (Núi-chiến sĩ quân giải phóng), Thế Anh (Dư - tổ trưởng), Hồ Trường (Ly- chiến sĩ Tây Nguyên), Minh Đức (Huế- nữ y tá), Trịnh Thịnh (Lăng- chiến sĩ nuôi quân), Hà Trọng (Hạ-Tiểu đoàn trưởng), Trần Quang Vinh (Tích- Chính ủy), Trung tá Phạm Lụt (Tư lệnh trưởng)...
Trong phim Đường về quê mẹ, ba chiến sĩ công binh Núi, Dư và Ly được giao nhiệm vụ làm trận địa giả thu hút máy bay B52 của Mỹ để ở phía khác, các chiến sĩ công binh có thể bí mật mở đường phục vụ chiến dịch. Bộ phim ngợi ca lòng dũng cảm, đức hy sinh của mẹ Núi và các chiến sĩ công binh trong chiến dịch giải phóng làng Vân. Vai Dư lấy nguyên mẫu từ nhân vật Anh hùng liệt sĩ Bùi Ngọc Dương - một thanh niên trí thức Hà Nội tình nguyện ra trận mang theo bao hoài bão, khát vọng, lý tưởng yêu nước, nghị lực cống hiến của tuổi trẻ.
Chân thật sâu sắc, bộ phim là bản anh hùng ca hoành tráng, thẫm đẫm chất trữ tình, ngợi ca những chiến sĩ công binh dũng cảm, thông minh, chiến đấu vì nền độc lập cho dân tộc, vì khát vọng hòa bình của quê hương. Mượn bối cảnh lịch sử, tác giả ngợi ca tình mẫu tử thiêng liêng.
Bộ phim đã đoạt Bông sen Vàng tại LHP Việt Nam lần thứ II (1973): giải Đạo diễn xuất sắc (Bùi Đình Hạc); giải biên kịch xuất sắc (Bành Châu, Bùi Đình Hạc); giải diễn viên xuất sắc (Trúc Quỳnh, Lâm Tới, Thế Anh); giải Nhất chuyên đề về các nước Á - Phi - Mỹ La tinh của Ban giám khảo LHP Quốc tế Karlovy Vary (Tiệp Khắc, 1972); giải Nhất tại LHP quốc tế New Delhi (Ấn Độ, 1973), Giải A của Bộ Quốc phòng tặng cho tác phẩm Văn học nghệ thuật xuất sắc về đề tài Lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc...
3. Phim Ai xuôi vạn lý (Hãng phim Giải Phóng sản xuất năm 1996, phát hành dưới định dạng phim VISTA 35 mm) với thời lượng phim dài 99 phút có phụ đề tiếng Anh. Phim do đạo diễn Lê Hoàng thực hiện cùng ê-kíp: biên kịch Nguyễn Thiện Đĩnh, Ngụy Ngữ; quay phim Phạm Hoàng Nam; diễn viên Công Ninh, Mộc Miên, Mỹ Uyên, Trịnh Mai, Lê Bình, Thu An, Mỹ Uyên, Nguyễn Hậu, Hồ Thái...
Đây là bộ phim về thời hậu chiến được đánh giá là một trong những bộ phim điện ảnh thành công nhất của đạo diễn Lê Hoàng. Đồng thời là một trong những bộ phim kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam thời kỳ Đổi mới.
Tấn (diễn viên Công Ninh) khoác chiếc ba lô trên chuyến tàu lửa hành trình từ Nam ra Bắc. Trong chiếc ba lô có hài cốt Thái - đồng đội cùng chiến đấu và hy sinh ở mặt trận Sài Gòn trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Sau giải phóng, Tấn tìm về nơi chôn cất Thái và may mắn tìm được hài cốt bạn.
Hành trình ra Bắc trao lại hài cốt Thái cho gia đình, Tấn gặp biết bao khó khăn có lúc tưởng chừng vô vọng: bị nhân viên tàu gây khó dễ nghi trong ba lô chứa hàng buôn lậu, bị lỡ tàu để lại ba lô trên tàu, bị người khác mang nhầm ba lô có hài cốt...
Tấn tình cờ gặp Miên (diễn viên Mộc Miên) - nữ chiến sĩ là đồng đội năm xưa - cùng chuyến tàu ra Bắc. Hiện Miên làm nghề buôn bán, thường xuyên chạy hàng xuôi ngược Nam Bắc. Khi cùng hành khách xuống tàu nghỉ ngơi, Tấn đã bị lỡ tàu. Rất may, chiếc ba lô được Miên giữ cẩn thận, không cho ai động tới. Tấn cố gắng đuổi theo đoàn tàu, thuê xe ôm (người chở xe ôm từng là lính ở bên kia chiến tuyến). Sau nhiều vất vả, anh xe ôm nản lòng, thậm chí định bỏ cuộc, nhưng khi biết hài cốt của người lính ở trong ba lô, người lái xe ôm đã chở Tấn đi theo đoàn tàu, đi tìm không lấy tiền công...
Về phần Miên, bị bắt vì buôn hàng chuyến và bị lỡ tàu đó. Cô bắt xe đò ra Bắc mong trả lại chiếc ba lô cho Tấn. Tấn vui mừng gặp lại Miên khi cô đi nhờ xe của một vị tướng về hưu. Cùng nhờ xe còn có một nữ chiến sĩ (diễn viên Mỹ Uyên) vừa từ biên giới Tây Nam trở về. Chiến sĩ lái xe đã vô tình đưa nhầm chiếc ba lô có hài cốt cho nữ chiến sĩ đi nhờ xe. Thế là Tấn và Miên tiếp tục hành trình đi tìm nữ chiến sĩ mang nhầm ba lô. Trong hành trình cùng Tấn và Miên còn có anh chở xe ôm đã vì một thứ tìm cảm nào đó "không biết, nhưng chắc không phải vì tiền" đã giữ anh lại để tiếp tục cuộc tìm kiếm. Cuối cùng, họ đã tìm lại được chiếc ba lô, mang hài cốt đồng đội về với gia đình, ấm áp trong lòng đất Mẹ quê hương...
Phim Ai xuôi vạn lý đã đưa nghệ sĩ Công Ninh đến với khán giả điện ảnh bởi sự hóa thân từ vẻ ngoài khắc khổ rất thành công. Anh bồi hồi chia sẻ: "Bộ phim giống như cái tên của nó, được quay ròng rã một năm, nhân vật di chuyển từ Nam ra Bắc. Nếu bộ phim được quay trong thời điểm hiện tại thì nhà sản xuất chắc không đủ kinh phí...". Còn Mộc Miên - diễn viên gốc Hà Nội được đạo diễn chọn vào vai Miên bởi vẻ đẹp dịu dàng, thuần hậu người phụ nữ Việt Nam hậu chiến.
Phim Ai xuôi vạn lý có ảnh hưởng mạnh và được đánh giá cao trong nước và quốc tế, đoạt nhiều giải thưởng quan trọng: Giải bạc LHP quốc tế Bergamo (1997); Giải Khinh khí cầu bạc tại LHP Nantes (1998). Tại LHP Việt Nam lần thứ 12 (1999), ngoài Bông sen bạc, Ai xuôi vạn lý đoạt giải Nam diễn viên xuất sắc nhất cho Công Ninh; giải Quay phim xuất sắc nhất cho Phạm Hoàng Nam. Năm 2012, cùng 16 bộ phim thuộc đề tài đổi mới, phim Ai xuôi vạn lý được chọn chiếu mở màn LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ 2.
Ngày đầu tháng 7 về Việt Nam sau gần 30 năm, Mộc Miên gặp lại bạn diễn với bao niềm xúc động. Chát với tôi, Mộc Miên vẫn tiếc vì ra Hà Nội sau ngày Viện phim Việt Nam chiếu lại phim Ai xuôi vạn lý."Chị ơi bộ phim được làm kỳ công lắm, nhiều cảm xúc lắm. Bộ phim vẫn ám ảnh em đến tận bây giờ".
(Còn nữa)