Góc nhìn 365: Đại học và 'điểm chuẩn'
Từ ngày 22/8, hàng chục trường đại học trên toàn quốc đã công bố điểm chuẩn tuyển sinh của năm 2023.
Cũng như vài năm gần đây, nhìn qua, mức điểm chuẩn ấy đang… cao chót vót, khi rất nhiều trường top trên đều có mức điểm từ 24 - 27, thậm chí là hơn 29 điểm cho 3 môn xét tuyển.
Nếu ít chú ý tới những biến động trong thi cử, những người lớn tuổi nhìn mức điểm chuẩn ấy hẳn sẽ kêu trời. Như cách so sánh cũ, vào thời của họ, chỉ đạt già nửa mức "điểm chuẩn" như năm nay, sĩ tử đã có thể bước vào đại học.
Đã có nhiều phân tích chỉ ra lý do của sự "tăng vọt" này. Trong đó, không thể bỏ qua việc đây là điểm số xét tuyển từ kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông - một kỳ thi rõ ràng là có độ khó thấp hơn so với kỳ thi đại học chuyên biệt của các phụ huynh khi xưa.
Quan trọng hơn, khi các trường đại học đã có thêm những phương thức tuyển sinh khác trong những năm gần đây, chỉ tiêu tuyển sinh từ việc xét điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông phải giảm đi. Và đương nhiên, sự cạnh tranh lớn ở riêng phương thức xét tuyển này sẽ dẫn tới điểm chuẩn "đầu vào" cao một cách đặc biệt.
Dường như, chúng ta vẫn bị ấn tượng mạnh với những mức điểm "chót vót" vừa được công bố mà quên đi một thực tế: Vài năm qua, ngày càng có nhiều thí sinh sớm"chạm tới" cánh cửa đại học mà không cần chờ đợi thông tin về điểm chuẩn. Các em trúng tuyển nhờ những chỉ số khác về học bạ, chứng chỉ quốc tế, hoặc tham gia những kỳ thi đánh giá năng lực được tổ chức riêng.
Dù còn gây tranh cãi nhưng không thể phủ nhận: Những gì đang diễn ra cho thấy sự chuyển dịch dần dần của cơ chế lựa chọn những cá nhân có nguyện vọng bước vào giảng đường đại học. Ở đó, bản thân các sĩ tử cũng phải tự có sự thay đổi để đáp ứng được các phương thức tuyển sinh khác nhau - nếu không muốn bị phụ thuộc quá nhiều vào "phương án" cuối cùng là điểm số của kì thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Cũng phải nói thêm tới một xu hướng đang nổi lên trong vài năm qua: Đều đặn, sau mỗi kỳ thi tuyển sinh đại học, chúng ta lại được đọc trên mặt báo và mạng xã hội vô vàn câu chuyện về những người từng thành công nhờ con đường khác sau khi thi trượt đại học trong quá khứ. Hoặc, về việc nhiều tấm bằng đại học đang dần trở nên lãng phí trong cảnh "thừa thầy, thiếu thợ" như bây giờ.
Có thể, những câu chuyện ấy vừa góp phần định hướng dư luận, vừa mang lại sự nhẹ nhàng cho lượng thí sinh thi trượt - mà chắc chắn sẽ nhiều hơn hẳn những người trúng tuyển - ở kỳ thi đại học mỗi năm. Nhưng để rạch ròi, dường như đó lại là cách tiếp cận dễ gây nhầm lẫn giữa 2 khái niệm: thi trượt đại học - và có những con đường ngoài đại học để vào đời.
Muốn hay không, trượt đại học vẫn là câu chuyện của những sĩ tử đã thất bại sau khi vạch ra mục tiêu về cánh cửa đại học - và dành nhiều thời gian, công sức, tâm lực để hướng về nó với sự đồng hành của gia đình và thầy cô. Có thể thông cảm, nhưng chắc chắn các em cần học cách đối diện với thất bại và rút ra những bài học quan trọng về định hướng phát triển cho bản thân, về việc đặt mục tiêu, xây dựng kế hoạch, thực thi kế hoạch.
Còn về những con đường "ngoài đại học", đó lại là vấn đề đòi hỏi sự cân nhắc sáng suốt của mỗi cá nhân và gia đình từ sớm, chứ không hẳn là sau một kì thi không như ý. Thậm chí, bên cạnh việc lập kế hoạch và chuẩn bị lộ trình, ở đó còn cần có tới sự dũng cảm để chọn lựa và chuẩn bị cho những con đường phù hợp với bản thân, thay vì theo đuổi viễn đích xa vời.
Muốn hay không, thi đại học bây giờ đã khác rất nhiều so với giai đoạn trước - mà câu chuyện điểm chuẩn chỉ là phần bề nổi.