Tái hiện những tác phẩm nghệ thuật Artech xuất sắc của Bảo tàng Ulsan Hàn Quốc tại UEH

Nghệ thuật Arttech - một loại hình nghệ thuật mới mẻ và độc đáo với sự kết hợp yếu tố công nghệ đỉnh cao để truyền tải những thông điệp mang ý nghĩa toàn cầu. 

Trong khuôn khổ chuỗi chương trình Ready for Next 2022, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) đã phối hợp cùng Bảo tàng nghệ thuật Ulsan, Hàn Quốc tái hiện những tác phẩm nghệ thuật Arttech xuất sắc của nghệ sĩ Nam June Paik - cha đẻ của nghệ thuật video và nghệ thuật truyền thông, cùng tác phẩm của những nghệ sĩ nổi tiếng Hàn Quốc khác.

Cơ hội khám phá những tác phẩm nghệ thuật Arttech của Hàn Quốc tại UEH

Nghệ thuật truyền thông là nghệ thuật đa thể loại tiên tiến kết hợp giữa công nghệ và nghệ thuật, một nghệ thuật đòi hỏi thực hành đa ngành và tổng hợp. Các tác phẩm nghệ thuật truyền thông chỉ xuất hiện sau khi vượt qua tính bao trùm và nắm bắt những thay đổi nhanh chóng của xã hội.

Tái hiện những tác phẩm nghệ thuật Artech xuất sắc của Bảo tàng nghệ thuật Ulsan Hàn Quốc tại UEH - Ảnh 1.

Như một minh chứng cho sự phát triển của văn hóa, kinh tế Ulsan cũng như Hàn Quốc, Bảo tàng nghệ thuật Ulsan (UAM) là một trong những bảo tàng lớn nhất của đất nước này, với bộ sưu tập trải dài từ cổ vật thời tiền sử đến các tác phẩm nghệ thuật đương đại. Với mục đích mở rộng phạm vi hiểu biết về nghệ thuật và văn hóa, cung cấp các dịch vụ văn hóa để nuôi dưỡng trí óc sáng tạo, đổi mới và năng động, UAM đã không ngừng nghiên cứu, triển lãm, xuất bản và giáo dục những sản phẩm nghệ thuật truyền thống và thử nghiệm các mô hình nghệ thuật truyền thông tiên tiến.

Chính vì vậy, nhằm mang đến những trải nghiệm về nghệ thuật truyền thông với sự kết hợp yếu tố công nghệ đỉnh cao cho những người trẻ, từ ngày 4/12/2022 - 04/03/2023, UEH đã phối hợp cùng với Bảo tàng nghệ thuật Ulsan thực hiện triển lãm các tác phẩm nghệ thuật Arttech nổi tiếng tại cơ sở A-UEH (59C Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3) và cơ sở V-UEH (232/6 Võ Thị Sáu, Quận 3).

Mỗi tác phẩm được trưng bày sẽ truyền tải một chủ đề, một thông điệp về sự hòa hợp của công nghệ với thiên nhiên, giữa yếu tố thực tại và thế giới ảo, góc nhìn về thành phố hiện đại, câu chuyện về những giấc mơ, hay những thảm họa do biến đổi khí hậu.

 "Forest of Cage" - Tác phẩm thời đại của nghệ sĩ Nam June Paik

Nam June Paik (1932 - 2006) - người đặt nền móng cho phim nghệ thuật và được coi là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ "siêu xa lộ điện tử" để mô tả tương lai của lĩnh vực truyền thông. Ông cũng là người tiên phong trong nghệ thuật video, giới thiệu một khái niệm mới về sắp đặt video bằng cách trình bày các tác phẩm kết hợp âm nhạc, trình diễn và video. Các tác phẩm của ông được đánh giá rất táo bạo và thể hiện tầm nhìn vượt thời đại.

Tái hiện những tác phẩm nghệ thuật Artech xuất sắc của Bảo tàng nghệ thuật Ulsan Hàn Quốc tại UEH - Ảnh 2.

Sáng tác năm 1993, Forest of Cage là một trong những tác phẩm nổi bật nhất của nghệ sĩ Nam June Paik, từng được trưng bày ở nhiều bảo tàng trên thế giới. Bằng cách tiếp cận dựa trên triết lý "mọi thứ đều phụ thuộc lẫn nhau", tác phẩm truyền tải thông điệp "công nghệ là một phần mở rộng hơn của thế giới quan con người và không mâu thuẫn với tự nhiên".

Sự độc đáo trong tác phẩm Forest of Cage đó chính là 23 chiếc tivi được lắp đặt ở một số vị trí trên mặt đất và treo trên những cành cây được trồng trên nền đất trong nhà. Các tivi CRT được lắp đặt giống như một chiếc lồng chim đang liên tục phát đi những hình ảnh trình diễn nghệ thuật tiên phong của John Cage và những phân cảnh rời rạc.

Đặc biệt, tên gọi tác phẩm sử dụng từ "Cage" nhằm mục đích tôn vinh John Cage - một nhạc sĩ tiên phong, người có ảnh hưởng nghệ thuật lớn đối với tác giả Nam June Paik. Ngoài ra, còn có một điểm chung nhất định giữa bản chất mà tác giả Nam June Paik chọn làm chủ đề cho tác phẩm đó chính là "thay đổi". Cũng giống như thiên nhiên tồn tại linh hoạt, giao thoa giữa kiến tạo và cái chết luôn xuất hiện cùng nhau.

Chasing Yellow: Nghệ thuật video tài liệu với những cuộc gặp gỡ tình cờ nhưng chân thật

Chasing Yellow là một tác phẩm video tài liệu của nữ nghệ sĩ Ham Kyung-ah, quay lại cảnh những người mặc đồ màu vàng trong số những người tác giả gặp khi đi du lịch ở châu Á. Những người trong video đang kể những câu chuyện "riêng tư" của chính mình bởi "mối quan hệ gặp gỡ khi đi du lịch có thể phút chốc trở thành mối quan hệ riêng tư nhất vì nghĩ không bao giờ gặp lại". Các nhân vật xuất hiện trong video dường như không cần phải tô điểm cho sở thích hay giá trị của họ hoặc tạo ra những câu trả lời giả tạo. Việc tạo ra một cuộc gặp gỡ tình cờ như vậy thông qua du lịch và có thể trò chuyện thân mật, dù chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, cũng mang lại một niềm vui nhỏ bé, thoáng qua trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Deep in the Forking Tanks: Nghệ thuật mô phỏng trải nghiệm ranh giới thực - ảo bị xóa mờ

Heecheon Kim là nghệ sĩ chuyên sản xuất video bằng các ứng dụng điện thoại di động như: Hoán đổi khuôn mặt, công nghệ kỹ thuật số 3D, GPS, trò chơi điện tử và VR.

Trong tác phẩm "Deep in the Forking Tanks", tác giả đã gặp những người thợ lặn và đi xuống vùng nước sâu. Anh ta bước vào một bể nổi và trải nghiệm một lần lặn mô phỏng trước khi xuống nước. Bể lặn mô phỏng hay còn được gọi là bể cô lập giác quan, bể này có thể chặn thị giác, thính giác và khứu giác theo đúng nghĩa đen. Khi bước vào bể, các giác quan cơ thể của bạn biến mất và bạn có thể hoàn toàn tập trung vào tâm trí của mình. Vì tính năng này, các vận động viên đã sử dụng chiếc bể này để huấn luyện. Tuy nhiên, trong quá trình huấn luyện liên tục, có thể có lúc bạn bối rối không biết mình đang ở trong mô phỏng hay lặn thật sự. Chiếc bể kích thích các giác quan khác hoạt động mạnh hơn trong không khi ý thức về thực tại vật chất chìm đắm vào bóng tối. Và tại nơi đây, ranh giới giữa cảm giác thực và không thực đã bị xóa mờ.

Galaxy Express: Nghệ thuật video LIDAR với góc nhìn thế giới

Kể từ năm 2020, nghệ sĩ Song Min-jung đã nghiêm túc khám phá khả năng của các phương tiện truyền thông mới và ảnh hưởng của chúng đến xã hội, văn hóa và chính trị thông qua các tác phẩm của mình.

Galaxy Express là tác phẩm video sử dụng camera chụp ảnh nhiệt và công nghệ bắn tia laser công suất cao LIDAR (Light Detection And Ranging) để hiển thị hình dạng 3D của thành phố. Một trong những điểm hấp dẫn của video là các mục tiêu được hiển thị trong suốt, giống như chế độ xem phối cảnh. Galaxy Express là một hành trình liên tục di chuyển về phía trước và khám phá thành phố rộng lớn. Và thành phố ở đây đang trong tình trạng mất khối lượng trên Trái Đất. Các hạt tạo nên thành phố mang lại cảm giác trống như các bit bị tháo rời hoàn toàn, không còn là vật chất nội tại có khối lượng. Lời tường thuật xuyên suốt video "Bạn trở thành một ngôi sao trong thiên hà" gợi ý rằng: cuộc sống của chúng ta vốn sử dụng dữ liệu không ngừng và tạo ra dữ liệu liên tục, và mỗi chúng ta đều là những ngôi sao trong thiên hà.

Poltergeist: Nghệ thuật vẽ với những giấc mơ, cảm quan và trí tưởng tượng

Mira Park - nghệ sĩ tự mô tả mình là một "người đi bộ trong thành phố" và quan sát chi tiết mặt khuất của cuộc sống hàng ngày để lấp đầy màn hình giả tưởng và mơ mộng. Người nghệ sĩ dùng bút vẽ, tỉ mỉ miêu tả thế giới của những giấc mơ, giác quan, tưởng tượng trên màn hình rồi hình ảnh hóa chúng.

Tác phẩm Poltergeist của Mira Park là một hoạt hình vẽ bằng bút, bao gồm các tông màu đen và trắng. Tác phẩm chú ý đến tính tạm thời của "đêm" - nơi dễ bị tổn thương và nhạy cảm nhất về mặt cảm xúc, đồng thời tạo ra một câu chuyện với các từ khóa như: nỗi sợ hãi khuếch đại, chứng mất ngủ, bóng tối và màu đen. Người nghệ sĩ hình dung ra thế giới của những giấc mơ, giác quan và trí tưởng tượng của đêm trong một câu chuyện cổ tích, nơi các giác quan thị giác thoái hóa và các giác quan khác đồng thời trở nên sắc nét hơn.

Symbioplot: Nghệ thuật video khám phá câu chuyện thảm họa để hướng đến sự cộng sinh

Nghệ sĩ Ji Hye Yeom là người quan tâm đến sự cộng sinh, đồng tiến hóa, môi trường và thảm họa thông qua hình thức sáng tác chính là kênh video.

Symbioplot của Ji Hye Yeom là tác phẩm video tưởng tượng câu chuyện thảm họa do biến đổi khí hậu từ một góc nhìn khác, từ đó khám phá sức mạnh cộng sinh kết nối mọi sự sống trên trái đất. Với lời tường thuật "Nơi chúng ta cùng chung sống", trái đất là một địa điểm cộng sinh nơi mà nhiều vật thể có sự sống và vô tri cùng chung sống trên một cấp độ vũ trụ. Thông qua tác phẩm của mình, người nghệ sĩ muốn hướng đến cách nhìn "chung sống" bằng cách kết nối mọi sự sống trên trái đất với một mối liên kết gọi là cộng sinh.

Wild Seed: Nghệ thuật đồ họa kỹ thuật số kể câu chuyện pha trộn của vật chất và phi vật chất

Song Min-jung là một nữ nghệ sĩ đại diện cho thế hệ văn hóa kỹ thuật số mới, đang thử nghiệm cách mà màn hình - một trong những vật thể quyền lực nhất thời đại kiểm soát và tái tạo lại trải nghiệm và hành vi của người dùng.

Wild Seed là tác phẩm video thuộc thể loại kinh dị lấy bối cảnh thế giới ảo do nghệ sĩ xây dựng và được mời tham dự Busan Biennale. Nội dung của tác phẩm đề cập đến các sự kiện xảy ra khi một người bị đánh cắp cơ thể do thao túng dữ liệu và trải qua một thế giới khác với thân phận ma quái, vô danh và yếu ớt. Những mâu thuẫn của thế giới, nơi mối quan hệ giữa vật chất và phi vật chất trộn lẫn được quan sát thông qua một cơ thể đang chuyển động và được thể hiện rõ ràng trong tác phẩm.

The Sun and The Moon - Khám phá những giá trị vô hình nhưng tồn tại

Nghệ sĩ Gosari là người chú ý đến mối quan hệ giữa các vật thể và không gian đã bị bỏ hoang và bỏ quên, đồng thời đang nghiên cứu để khám phá những thứ vô hình nhưng tồn tại. Người nghệ sĩ tìm kiếm những giá trị hiện thực chưa được nhận ra ở khắp mọi nơi trong cuộc sống và cố gắng đối mặt với những thứ đang tích tụ hay biến mất từ lâu.

Thông qua tác phẩm The Sun and The Moon, tác giả đề xuất chiêm nghiệm mối quan hệ giữa thời gian và không gian, giữa con người và thiên nhiên bằng cách nhận ra nhịp điệu thay đổi và lặp lại của mặt trời và mặt trăng, là những yếu tố chính trong cấu trúc thiên nhiên tuần hoàn. Người nghệ sĩ cảm nhận những biến đổi của thiên nhiên từ mặt trời, mặt trăng, tiếng gió, tiếng nước qua quá trình làm nông. Những sản vật sinh ra từ mặt đất, thành thức ăn cho con người và cuối cùng trở về đất. Điều này cho phép chúng ta cảm nhận được nhịp điệu chu kỳ của cuộc sống.

Thời đại 4.0, công nghệ và thiết kế là cơ sở quan trọng để tổ chức cuộc sống chất lượng hơn. Trong khi đó, nghệ thuật là hơi thở của cuộc sống, là nền tảng của sự sáng tạo. Chính vì vậy, việc phát triển bền vững phải dựa trên nền tảng công nghệ kết hợp với nghệ thuật, văn hóa, để cân bằng các yếu tố vật chất và tinh thần, từ đó, nâng cao chất lượng sống một cách toàn diện để hướng đến phát triển bền vững.

Thông qua triển lãm nghệ thuật truyền thông Ulsan Museum, UEH và Bảo tàng nghệ thuật Ulsan mong muốn lan tỏa những giá trị văn hóa, nghệ thuật và công nghệ tiên tiến đến với những người trẻ. Tin rằng, bên cạnh việc trang bị tri thức chuyên ngành, việc tiếp cận với nghệ thuật sẽ nuôi dưỡng những giá trị nhân văn và sức mạnh tinh thần cho thế hệ trẻ tương lai, từ đó, kiến tạo một cộng đồng truyền cảm hứng nghệ thuật - tiên phong chuyển đổi vì sự bền vững.

Hãy cùng khám phá không gian nghệ thuật truyền thông với những tác phẩm nổi tiếng thế giới tại cơ sở A-UEH (59C Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3) và cơ sở V-UEH (232/6 Võ Thị Sáu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3).

PTTT

Link gốc: TTVH