Văn học thiếu nhi: 'Hãy lắng nghe đứa trẻ bên trong chúng ta'

Vừa qua tại Đường sách TP HCM đã diễn ra buổi giao lưu "Văn học thiếu nhi - Luồng gió mới từ những tác giả trẻ", thuộc chuỗi sự kiện của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Đây cũng là dịp ba tác giả Nguyễn Thị Kim Hòa, Phát Dương, Thủy Nguyên ra mắt tác phẩm mới, viết cho thiếu nhi.

Buổi trò chuyện xoay quanh các chủ đề như viết cho thiếu nhi dễ hay khó? Viết như thế nào để hấp dẫn thiếu nhi?

Những câu hỏi không bao giờ cũ

Nhà văn Thuỷ Nguyên, tác giả Sẻ nâu mơ thành đại bàng, chia sẻ đối với chị viết cho thiếu nhi không hề dễ, nhưng hãy nhìn thế giới bằng đôi mắt của trẻ thơ.

Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hoà là tác giả của nhiều tác phẩm dành cho thiếu nhi như Chuyện kể ở lớp cây me, Tay chị tay em, Cút ca cút kít… được độc giả ưa thích. Công việc hiện tại tạo điều kiện cho Kim Hoà gắn bó với trẻ con, nên với chị, bên mình có một "kho tàng thiếu nhi" mà bản thân chị cần ghi chép, lắng nghe các em.

Văn học thiếu nhi: 'Hãy lắng nghe đứa trẻ bên trong chúng ta' - Ảnh 1.

Từ trái sang: MC Phương Huyền, Phát Dương, Thuỷ Nguyên, Nguyễn Thị Kim Hoà

Có thể thấy, cả ba tác giả thường chọn chất liệu từ đời sống gần gũi xung quanh mình. Sẻ nâu mơ thành đại bàng của Thuỷ Nguyên được lấy cảm hứng từ chính thế giới loài chim trong khu vườn nhà. 

Khi bắt đầu viết một tác phẩm cho thiếu nhi, theo Thuỷ Nguyên, kinh nghiệm bản thân chị là tìm đề tài và tiếp cận vấn đề như một đứa trẻ. Thế giới trong Sẻ nâu mơ thành đại bàng mang màu sắc đồng thoại, với không gian thân thuộc. Tuy vậy, cái khó là làm sao đưa được hiện thực vào trong trang sách. Hiện thực ấy có thể mơ mộng, thuần khiết, nhưng đôi khi cũng phải mạnh mẽ, không quá xa rời thực tế.

Nỗi băn khoăn của Kim Hoà là làm sao đưa thông điệp vào tác phẩm thiếu nhi, dù viết cho thiếu nhi nhưng vẫn có thể đề cập đến những chủ đề có tính thời sự. Bởi chị quan niệm, thế giới thiếu nhi không nhất thiết chỉ toàn sự trong trẻo.

Phải chăng văn học thiếu nhi Việt Nam hiện nay vẫn còn hạn chế trong những điều quen thuộc?

Trả lời câu hỏi này, nhà văn Kim Hoà cho biết, bản thân chị chọn những không gian thân quen như lớp học, đồng quê, khung cảnh quê hương Phan Rang của chị. Đây là những không gian nhiều tiềm năng khai thác, có thể giới thiệu cho độc giả nhí ở thành phố. Vương quốc ngộ nghĩnh của chị vẽ ra một thế giới chỉ toàn trẻ con, được lấy nguyên mẫu từ chính những học trò trong lớp học mà chị giảng dạy.

Văn học thiếu nhi: 'Hãy lắng nghe đứa trẻ bên trong chúng ta' - Ảnh 2.

Ba tác phẩm vừa phát hành

Còn với câu hỏi ChatGPT có ảnh hưởng thế nào đến người viết, Kim Hoà khẳng định, không trí tuệ nhân tạo nào giàu tình yêu thương như con người.

Đồng điệu với việc đem hơi thở của thời sự vào tác phẩm thiếu nhi, Phát Dương viết tác phẩm 100 cửa sổ, với nhân vật cô bé Trinh được gửi đến nhà bà nội phù thuỷ trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát. Cùng bà, Trinh đã mở tiệm bánh và dùng một trăm cửa sổ thần kỳ để giúp mọi người trong đại dịch. Phát Dương cũng là tác giả trẻ nhất trong ba tác giả. Sinh năm 1995, đã xuất bản một số đầu sách, có thể xem 100 cửa sổ là tác phẩm thiếu nhi đầu tay của Phát Dương.

Sách thiếu nhi hưởng ứng Ngày Sách

Dịp này, NXB Kim Đồng cho ra mắt nhiều tác phẩm thiếu nhi của tác giả Việt cũng như nước ngoài, với nhiều thể loại, đề tài.

Bên cạnh 100 cửa sổ, Sẻ nâu mơ thành đại bàng, Vương quốc ngộ nghĩnh, còn có tác phẩm có không gian miền Tây Nam bộ như Cá Linh đi học của Lê Quang Trạng, tập bút ký Sống cùng nước của Trương Chí Hùng.

Các bộ truyện tranh lịch sử như Người Việt gọi tôi là Cha Đắc Lộ - Hành trình sáng tạo chữ quốc ngữ (lời Nguyễn Thị Kiều Ly, tranh Tạ Huy Long), tái bản Hào kiệt đất phương Nam (20 tập) về danh nhân của đất Nam bộ.

"Hãy lắng nghe đứa trẻ bên trong chúng ta"

Bên lề buổi giao lưu, Phát Dương bộc bạch những cảm xúc thúc đẩy bản thân viết sách thiếu nhi: "Khó có thể nói chính xác cảm xúc nào đã thúc đẩy mình viết sách thiếu nhi. Đó là tổng hợp nhiều cảm xúc lắm. Đầu tiên là niềm vui khi mình được thỏa sức tưởng tượng thế giới đầy những phép màu. Tiếp đó là sự hứng khởi khi xây dựng thế giới của riêng mình, được đắm chìm vào đó. Cả sự hồi hộp khi suy đoán không biết các em nhỏ sẽ đón nhận tác phẩm của mình như thế nào nữa".

Phát Dương nói thêm: "À, có cả sự ganh tị, tò mò và muốn thử thách bản thân nữa. Ganh tị trước những tác phẩm thiếu nhi hấp dẫn của nước ngoài, của các tác giả Việt Nam; tò mò không biết mình sẽ viết gì, viết thế nào cho các em; thử thách mình tạo ra một thế giới kì thú. Có cả niềm tin nữa: tin rằng mình sẽ làm được điều gì đó dành tặng các em và tặng cho cả bản thân mình. Mọi người viết được, tại sao mình lại không dám thử?".

Văn học thiếu nhi: 'Hãy lắng nghe đứa trẻ bên trong chúng ta' - Ảnh 4.

Với Phát Dương có ba khía cạnh tác giả có thể khai thác, ghi dấu ấn với văn học thiếu nhi. Đầu tiên đó là khai thác bản thân. Hãy lắng nghe đứa trẻ bên trong chúng ta muốn nói điều gì, muốn đọc điều gì. Mỗi người đều từng là một đứa trẻ, từng trải qua những năm tháng hồn nhiên trong trẻo thì hãy nhớ lại. Và hãy sử dụng vốn sống của bản thân, vì tác phẩm không đến từ trải nghiệm dễ thiếu tính thuyết phục và tạo cảm giác không thật. Mỗi người đều có những trải nghiệm riêng mà!

Thứ hai, tìm hiểu và thu thập những nét văn hóa của vùng đất mình đang sống hoặc nơi mình yêu thích. Chất Việt Nam sẽ khiến tác phẩm độc đáo và có hồn hơn. Hãy thử nghĩ xem nhé, nếu may mắn tác phẩm của chúng ta in ở nước ngoài chẳng hạn, đặt bên cạnh những cuốn sách khác ta sẽ khác biệt ở điều gì? Văn hóa là một cách thể hiện cái tôi của tác giả.

Thứ ba, đó là tư tưởng của tác phẩm. Đúng là một tác phẩm tốt tự bản thân nó luôn truyền đạt một tư tưởng nào đó, nhưng ta cũng cần cân nhắc điều này trước khi bắt tay vào viết. Bạn muốn nói điều gì, truyền đạt thông điệp gì, hãy cứ nghĩ thật kĩ đã. Những tác phẩm thiếu nhi có sức sống lâu bền đều nhờ có những tư tưởng giá trị. Từ đó, ta sẽ biết chọn cách thể hiện sao cho phù hợp.

Ngoài ra, "vài yếu tố nhỏ khác như tính thời sự, độ hấp dẫn, thể loại, nội dung, đề tài hiếm, mới… cũng là những khía cạnh để tạo dấu ấn khi viết tác phẩm thiếu nhi" – Phát Dương khẳng định. 

Chờ đón Giải Dế Mèn 2023

Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 4 - 2023 cũng đã hết hạn nhận tác phẩm dự thi vào ngày 20/4/2023. Đây là giải thưởng do báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) sáng lập và tổ chức thường niên từ năm 2020 nhằm trao cho các sáng tác, trình diễn nghệ thuật xuất sắc "của thiếu nhi" (thiếu nhi là chủ thể sáng tạo) hoặc "vì thiếu nhi" (thiếu nhi là đối tượng phục vụ), bao gồm 01 Giải thưởng Lớn mang tên "Hiệp sĩ Dế Mèn" (Cricket Knight) và một số Tặng thưởng mang tên "Khát vọng Dế Mèn" (Cricket Desire). Lễ tổng kết và trao giải dự kiến diễn ra vào dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế thiếu nhi (1/6) năm nay.

Trọng Khang

Link gốc: TTVH