Công nghiệp Văn hóa ở Việt Nam (kỳ 3): Làm gì để công nghiệp văn hóa Việt Nam cất cánh?

Ở nước ta, công nghiệp văn hóa là khái niệm mới chỉ được đặt ra trong khoảng một, hai thập niên trở lại đây. Tuy nhiên, Đảng, Nhà nước đã xác định, công nghiệp văn hóa là nguồn lực để phát triển bền vững và việc phát triển công nghiệp văn hóa đang trở thành một yêu cầu cấp thiết.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đưa ra dẫn chứng về cách làm của đất nước Hàn Quốc. Ông nói: "Đảo Nami - trường quay Bản tình ca mùa Đông - đã là điểm đến du lịch nổi tiếng, thu hút lượng lớn khách du lịch, bên cạnh đó là ảnh hướng tới xu hướng thời trang. Như vậy, lực hấp dẫn của văn hóa tạo ra hiệu ứng lớn. Phim Hàn Quốc đi tới đâu thì các sản phẩm của Hàn Quốc đi ra thế giới tới đó. Quảng cáo từ phim đã cộng hưởng để tạo ra nguồn kinh phí lớn, hiệu ứng tốt. Đó cũng là không gian phát triển cho các nhà làm văn hóa".

Phải định vị lại tính giải trí

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định: "Chúng ta có thể nhìn văn hóa ở khía cạnh bán hàng. Gần đây, tỉnh Phú Yên đã sử dụng phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh để làm thương hiệu du lịch cho tỉnh và tương đối thành công. Đây chính là sức mạnh của văn hóa. Đã đến lúc chúng ta phải định vị lại tính giải trí, ghép nông nghiệp và giải trí trở thành một thuật ngữ, một sản phẩm mang lại giá trị thương mại đặc sắc. Tại Bắc Giang vừa qua, có sự kiện văn hóa - thời trang kết hợp với nông nghiệp trong mùa vải Lục Ngạn để kết nối bán hàng đã tạo ra sự lan tỏa tốt, thu hút được sự quan tâm và rất hiệu quả".

Ông Hoan nói thêm: "Sự sáng tạo trong văn hóa, nông nghiệp - nông thôn còn vô vàn dư địa dành cho các nhà sáng tạo nội dung. Chúng ta có thể áp dụng và phát huy sức mạnh này tại nhiều địa phương với đa dạng các sản phẩm làng nghề thông qua chuyển đổi số, các nền tảng. Chúng ta không nên xem nhẹ yếu tố giải trí, mà phải coi đó tiềm lực quan trọng. Nhìn rộng ra, công nghiệp văn hoá không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà là giá trị sâu xa trong quảng bá hình ảnh đất nước, địa phương và các sản phẩm mang đậm bản sắc".

Công nghiệp Văn hóa ở Việt Nam (kỳ 3): Làm gì để công nghiệp văn hóa Việt Nam cất cánh? - Ảnh 1.

Tỉnh Phú Yên đã sử dụng phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” để làm thương hiệu du lịch cho tỉnh tương đối thành công

Công nghiệp văn hóa suy cho cùng là vì con người

Trong tham luận của mình tại hội nghị, KTS Hoàng Thúc Hào (Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam) nhận mạnh: Công nghiệp văn hóa suy cho cùng là vì con người, phát triển kinh tế - xã hội, giúp bảo vệ sự đa dạng sinh thái. Vấn đề là có những cốt lõi nào, giá trị nào ưu tiên trước, có khả năng cạnh tranh trước và cạnh tranh sau, luôn phải đảm bảo nguyên tắc sau cùng là hướng tới phát triển bền vững.

"Văn hóa thì sâu lắng, phải làm đến cùng. Không có tác phẩm văn học nghệ thuật lớn cũng như các phát minh khoa học công nghệ ra đời một cách đơn giản, đều phải trăn trở, làm đi làm lại rất nhiều lần" - KTS Hoàng Thúc Hào nhấn mạnh - "Những tác phẩm văn học nghệ thuật lớn góp phần khơi dậy niềm tự hào văn hóa và con người Việt Nam, cái chính là ta có đủ khát khao, mãnh liệt để làm. Công nghiệp văn hóa cần một nền móng góp phần khơi dậy niềm tự hào về văn hóa và con người Việt Nam, thì công nghiệp văn hóa Việt Nam mới cất cánh được".

Nhà nước, cấp quản lý là "bà đỡ" bao dung, quan trọng nhất là "đầu tư" niềm tin lớn vào văn nghệ sĩ, trí thức, nhất là văn nghệ sĩ tiêu biểu.

Ông Hào khẳng định: "Dân tộc, khoa học, đại chúng là chủ trương rất đúng. Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội giúp kết nối mạng lưới toàn cầu, bởi văn nghệ sĩ trong nước nếu không cọ xát, giao tiếp với văn nghệ sĩ quốc tế sẽ rất khó trong sân chơi toàn cầu".

Ông chứng minh bằng dẫn chứng về dịch giả Nguyễn Bình (sinh năm 2001), hiện đang theo học ở Mỹ, đã dịch tác phẩm Truyện Kiều ra tiếng Anh. Bản dịch mất rất nhiều thời gian, nhưng được các giáo sư Mỹ đánh giá là đậm tính học thuật nhất, xứng đáng trở thành một phần quan trọng trong việc nghiên cứu, quảng bá Truyện Kiều.

Hoặc như chị Amy Lê, một người Mỹ gốc Việt, từng có một số triển lãm cá nhân tại trung tâm triển lãm nghệ thuật Henry, Seattle năm 2007, Bảo tàng Nhiếp ảnh đương đại, Chicago (2006) và Trung tâm Nghệ thuật đương đại New York năm 2002… đều khiến chúng ta tự hào.

Công nghiệp Văn hóa ở Việt Nam (kỳ 3): Làm gì để công nghiệp văn hóa Việt Nam cất cánh? - Ảnh 2.

Có thể nói “Monsoon Music Festival” là mô hình nhằm xây dựng một biểu tượng văn hóa cho Hà Nội, cùng với việc mang lại cảm hứng cho cộng đồng và giới trẻ…

Cần sự đồng hành của mọi thành phần tham gia

Là người làm sáng tạo trong suốt nhiều năm qua với những kinh nghiệm thực tế, nhạc sĩ Quốc Trung - "cha đẻ" của lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa - Monsoon Music Festival - cho biết, anh thực sự rất vui mừng và hứng khởi khi nhận thấy quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước trong những năm gần đây về việc đưa công nghiệp văn hóa trở thành một ngành mũi nhọn, đồng thời nhận thức một cách sâu sắc về tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa trong sự phát triển chung của đất nước.

Dẫu vậy, nhìn vào âm nhạc - một lĩnh vực quan trọng trong bức tranh chung của công nghiệp văn hóa - vị nhạc sĩ này cho rằng: Thực trạng ngành công nghiệp âm nhạc nước ta hiện nay là nền công nghiệp âm nhạc nhãn hàng (đáp ứng các nhu cầu phục vụ nhãn hàng, chứ chưa phải đáp ứng kỳ vọng và mong muốn của công chúng cũng như những người làm nghề).

Bằng kinh nghiệm, nhạc sĩ Quốc Trung khẳng định hợp tác quốc tế là con đường duy nhất để nâng cao năng lực sáng tạo và cạnh tranh của nghệ sĩ Việt Nam. Còn để công nghiệp văn hóa phát triển và đuổi kịp những nước tiên tiến, cần sự đồng hành của mọi thành phần tham gia, cần chia sẻ trách nhiệm và cả lợi ích tương lai để cùng nhau phát triển. Cần nhiều hơn những tiếng nói của các doanh nghiệp, các chuyên gia ngành để tư vấn, đóng góp sáng kiến và xóa bỏ đi rào cản hoặc ranh giới trong và ngoài nhà nước.

Bên cạnh đó là xây dựng chính sách hỗ trợ cho những thể nghiệm, những nghệ sĩ trẻ, những tiềm năng hoặc tài năng để có thể phát triển, giới thiệu sản phẩm tới công chúng trong nước. Thiết lập các quỹ văn hóa với các nước trong khu vực và trên thế giới để tạo cầu nối, đem âm nhạc và nghệ sĩ của Việt Nam ra nước ngoài học hỏi, giao lưu, cọ xát cũng như giới thiệu văn hóa Việt Nam tới cộng đồng quốc tế…

Nhạc sĩ Quốc Trung khẳng định hợp tác quốc tế là con đường duy nhất để nâng cao năng lực sáng tạo và cạnh tranh của nghệ sĩ Việt Nam. Còn để công nghiệp văn hóa phát triển và đuổi kịp những nước tiên tiến, cần sự đồng hành của mọi thành phần tham gia, cần chia sẻ trách nhiệm và cả lợi ích tương lai để cùng nhau phát triển.

(Còn nữa)

Phạm Huy

Link gốc: TTVH