Sự tích và ý nghĩa của ngày thần tài
Theo dân gian, giai thoại về Thần Tài có rất nhiều và dưới đây là 2
trong số những giai thoại được nhiều người nhắc tới cho đến tận ngày
nay.
Một trong những giai thoại được mọi người nhắc đến nhiều nhất đó là
câu chuyện của một vị Thần Tài sống trên trời, vị Thần cai quản tiền
bạc, tài lộc. Trong một lần đi chơi uống rượu, Thần Tài say quá nên rơi
xuống trần gian, đầu va vào đá nằm mê mệt không biết gì. Sáng ra, người
dân quanh vùng thấy một người ăn mặc giống như diễn tuồng cải lương thì
lấy làm lạ và tưởng bị điên. Họ cùng nhau lột hết sạch quần áo mũ nón
của Thần Tài và đem bán.

Tục thờ Thần Tài có xuất xứ từ Trung Quốc, còn ở nước ta tục thờ
Thần Tài xuất hiện vào khoảng đầu thế kỷ XX.(Nguồn ảnh: Internet)
Còn về phía thần tài, do va đầu vào đá nên bị mất trí nhớ. Tỉnh dậy,
ngài phát hiện không còn quần áo trên người. Thần Tài không biết làm
việc dưới trần gian nên đành đi lang thang xin ăn khắp nơi. Một ngày, có
cửa hàng nhà kia kinh doanh buôn bán gà, vịt, heo quay ế ẩm, thấy Thần
Tài đến ăn xin thì mời vào ăn. Thần Tài ăn rất nhiều và rất thích ăn heo
vịt quay. Kỳ lạ thay, từ lúc Thần Tài vào ăn thì khách cứ kéo đến nườm
nượp. Người bán hàng thấy vậy nên ngày nào cũng mời Thần Tài tới. Khách
hàng ở quán đối diện trước nay rất đông khách bỗng dưng chuyển hết qua
quán bên này.
Một thời gian sau, người bán hàng thấy Thần Tài chẳng làm gì mà suốt
ngày ăn uống đồ ngon, lại toàn dùng tay ăn bốc, người thì bốc mùi, lang
thang không tắm giặt. Nghĩ Thần Tài sẽ làm khách sợ không dám đến ăn nên
người bán hàng bèn đuổi Thần Tài đi. Quán đối diện ngày xưa rất đông
khách nay vắng hoe, thấy vậy thì liền mời Thần Tài vào ăn, kỳ lạ thay
mọi người lại ùn ùn kéo đến ăn rất đông.
Được một thời gian, mọi người thấy vậy nên ai cũng giành mời cho bằng
được Thần Tài đến hàng quán của mình. Vậy nên ngày nay người ta mới có
câu “Thần Tài gõ cửa”. Người dân khu vực đó thấy Thần Tài không có quần
áo mặc, bèn dẫn ông đi mua quần áo, lại tới đúng nơi y phục của ông bị
bán. Sau khi mặc quần áo mũ nón vào, Thần Tài bỗng nhiên nhớ lại mọi
chuyện và bay về trời. Mọi người coi Thần Tài như báu vật, lập bàn thờ
ông từ đó. Ngày Thần Tài bay về trời là ngày mùng 10 tháng giêng âm
lịch.

Do sự tích này mà bàn thờ thần tại thường được đặt ở góc khuất trong
nhà và kiếng quét rác và hốt rác trong 3 ngày tết (Nguồn ảnh: Internet)
Một sự tích khác kể lại rằng có người lái buôn Trung Hoa tên Âu Minh
khi đi qua hồ Thanh Thảo tình cờ gặp Thủy Thần, được Thủy Thần cho một
người gia nhân tên là Như Nguyện. Âu Minh đem Như Nguyện về nuôi ở trong
nhà, từ đó công việc làm ăn của Âu Minh mỗi ngày một phát đạt.
Trong một ngày Tết, vì một lý do nào đó, Âu Minh đánh Như Nguyện. Như
Nguyện quá sợ hãi bèn chui vào đống rác và biến mất. Từ đó Âu Minh làm
ăn thua lỗ, chẳng mấy chốc nghèo xác nghèo xơ.
Người ta cho rằng, Như Nguyện là Thần tài. Lúc Âu Minh nuôi Như
Nguyện trong nhà thì Thần Tài ủng hộ nên làm ăn phát đạt. Tới khi Như
Nguyện bị đánh rồi bỏ đi, Thần tài không còn chiếu cố Âu Minh nữa nên
anh ta làm ăn sa sút, thất bại.
Do sự tích này, người ta có tục kiêng cữ quét và hốt rác trong ba
ngày Tết do sợ Thần tài không có chỗ ẩn trốn mà đi nơi khác. Cũng do sự
tích này mà người ta lập bàn thờ Thần tài sát nền đất hay nền gạch,
không đặt cao như các bàn thờ khác và đặt ở góc nhà hoặc nơi hàng hiên.
Vì sao người dân đổ xô đi mua vàng ngày cúng vía thần Tài?
Vào ngày mồng 10 tháng Giêng âm lịch hằng năm, những hình ảnh khách
xếp hàng "rồng rắn" chờ đợi mua nhẫn, vàng miếng, vàng trang sức...
không còn xa lạ nữa. Dù có thể phải chờ đợi đến cả tiếng đồng hồ nhưng
ai nấy đều vui vẻ, bởi quan niệm mua vàng vào ngày vía Thần Tài có thể
đưa lại tài lộc cho cả năm.
Theo đó, vào ngày vía thần Tài, gia đình nào cũng mua ít nhất nửa chỉ vàng
bày vào mâm cúng, xem đây là lễ vật không thể thiếu. Nếu mua đúng ngày
vía thần Tài bay về trời thì năm đó sẽ “tiền vào như nước”, dựa bóng ông
lớn mà ăn nên làm ra.

Cảnh tượng người dân đổ xô xếp hàng dài từ sớm tinh mơ để mua vàng
ngày vía Thần tài trở nên không còn xa lạ vào ngày mùng 10 tháng Giêng
hàng năm (Nguồn ảnh: Thanh Hà/ báo Tiền Phong)
Không rõ người dân dùng vàng để bày vào mâm lễ cúng thần Tài từ bao
giờ, chỉ biết rằng tục lệ này đã có từ rất lâu. Trong dân gian, niềm tin
mua vàng rất mãnh liệt. Nhiều người còn cho rằng, dù không bày lên mâm
lễ cúng, chỉ cần mua vàng đúng ngày vía thần Tài rồi đặt trong két, ví
hay để ở những nơi gần gũi với gia chủ thì cả năm vẫn sẽ được sung túc,
ấm no.

Giờ đây không chỉ có người làm kinh doanh, buôn bán mà cả những đối
tượng khác như công chức, dân văn phòng... cũng mua vàng vào ngày vía
Thần tài để cầu may, cầu tài lộc đầu năm (Nguồn ảnh: Internet)
Tục mua vàng cất trữ vào ngày vía Thần tài trở nên phổ biến trong gần
chục năm trở lại đây. Theo các chuyên gia, hành động này cũng thể hiện
nét đẹp tâm linh tín ngưỡng. Bên cạnh đó, vàng còn được xem là tiền thật
(có giá trị lưu trữ) nên mua vàng cũng là cách để người dân tích cóp
dịp đầu xuân.
Bên cạnh đó, các chuyên gia phong thủy cũng khuyến cáo người dân
không nên chen lấn, xô đẩy để mua vàng cho bằng được vào ngày này, thậm
chí phải mua giá cao, tạo điều kiện cho người khác trục lợi. Thay vào
đó, người dân có thể soạn lễ thành tâm, mua những thứ hữu ích cho gia
đình đặc biệt là nên tu chí làm ăn thì vẫn có thể đạt được 1 năm sung
túc, công danh phát đạt. Cũng theo các chuyên gia, khi đi mua vàng ngày
vía Thần Tài nên chọn cửa hàng vàng có uy tín, đảm bảo chất lượng.
Theo Thethaovanhoa.vn
Cùng xem clip ca nhạc "Ngày tết quê em":