Ngẫm ngợi cuối tuần: 'Siêu thực' trong tranh dân gian

Siêu thực là không thật, nhưng nếu là tranh thì nhìn lại rất thật. Nhưng ý nghĩa của tranh nằm ngoài hình vẽ. Lối mượn hình gửi ý của cha ông ta xưa khi làm tranh dân gian rất thú vị.

Bộ đôi tranh Nhân nghĩa và Lễ tri một bức vẽ bé trai ôm cóc, bé gái ôm con rùa. Đây thuộc thể loại tranh chúc tụng. Ví dụ con đầy tháng, khách đến ăn mừng mang theo gà, gạo, trứng cho sản phụ nhưng kèm theo đó bức tranh: trai thì tranh Nhân nghĩa (bé trai ôm cóc), gái thì tranh Tri lễ (bé gái ôm rùa).

Trai ôm cóc nhưng đó đâu phải con cóc thật, mà là ôm cái tinh thần của cóc tía cậu ông giời: Nhân – nghĩa - lễ- trí - dũng, 5 đức tính người đàn ông cần có. Khách muốn cháu lớn lên phải thành con người như thế. Góc tranh trên cao có hai chữ Nhân - Nghĩa bao trùm.

Ngẫm ngợi cuối tuần: 'Siêu thực' trong tranh dân gian - Ảnh 1.

Tranh Lễ trí - Nhân nghĩa. Nguồn: Internet

Còn bé gái ôm rùa là con vật trong tứ linh: bền vững nghìn năm. Trên góc tranh có hai chữ Tri - Lễ, nghĩ là có hiểu biết lễ nghĩa thì có hậu, sẽ có bền vững nghìn năm. Mà bé gái đó sẽ là người mẹ với trách nhiệm giáo dưỡng con cái nặng nề! Ý nghĩa cao vời vợi ở ngoài hình vẽ.

Còn lời chúc nào tế nhị hay hơn thế!

Cũng vậy, tranh Hứng dừa đâu phải hái dừa, mà là tranh kể về đôi vợ chồng tình tứ đó chứ, nhưng nghệ nhân chọn cách thể hiện khá là khéo léo với hai câu thơ khơi gợi hóm hỉnh: "Khen ai khéo dựng nên dừa/ Đấy trèo đây hứng cho vừa một đôi". Chồng thả hai trái dừa, vợ tốc váy hứng. Hóm thế đấy. Hiểu ngay ý nghĩa hoàn toàn ngoài chuyện hái dừa.

Còn tranh Đánh ghen, có phải mô tả ông chồng bênh bà hai đâu! Ông chồng ôm bà hai, tay đỡ ngực, tay xua can ngăn thôi thôi bớt giận làm lành..., Nhưng không phải bênh vợ bé, mà bà hai đang mang bầu. Ông chồng đang bảo vệ đứa con. Người xưa nói "Một con một của ai từ". Con mới là của cải chứ không phải tiền bạc, nhà cửa, ruộng vườn.

Hàng Trống có tranh Tố nữ, bốn cô gái cầm nhạc cụ đang biểu diễn. Tố nữ nghĩa là cô gái đẹp. Ai cũng nghĩ thế là đủ rồi! Nhưng chiều sâu của tranh không phải nhằm tả 4 cô gái đẹp, mà là ở đây nghệ nhân mượn 4 cô gái với chiều cao số học để ca ngợi vẻ đẹp âm sắc khí cụ trong tay các cô: Tiếng phất gió của quạt nhẹ nhàng, cô này lùn nhất. Cô cầm sênh  cao hơn vì tiếng sênh lách cách. Cô thổi sáo thì cao hơn chút nữa vì âm vực của sáo ngân hơn và cô cầm đàn thì tiếng tơ cao nhất. Với cách sắp xếp cặp biểu diễn, nối điểm chiều của các cô gái còn được một đường cong uốn lượn nhịp điệu! Các nghệ nhân quá tài!

Đó là những bức tranh siêu thực có từ xa xưa của các tiền bối. "Ý tại ngôn ngoại"! Vậy là siêu thực có từ lâu rồi!

Đây chỉ là ví dụ về một loại hình nghệ thuật vẽ. Nghệ thuật có nhiều cung bậc và nhiều hướng đi. Nghệ thuật siêu thực này chỉ là một hướng sáng tác. Nó là cái cây hình thành được từ sự tích lũy văn hóa, kinh nghiệm sống, trải nghiệm thời gian truyền lại. Muốn thưởng thức được cũng phải học, nắm được những điều cơ bản của quy luật triết học mới đọc ra được. Mà khi đọc được, xem được thì thú vị biết nhường nào!

Họa sĩ Đỗ Đức

Link gốc: TTVH